Nhiều người, đặc biệt là phụ nữ đã có con, thường than phiền rằng họ không thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống, muốn đạt được thành tựu trong sự nghiệp họ buộc phải từ bỏ rất nhiều thứ trong hạnh phúc gia đình. Chuyện con cái, chuyện học hành và rất rất nhiều việc quan trọng khác không thể không làm, nhưng công việc lại càng không thể thiếu, vì có việc mới có tiền, có tiền mới sống và nuôi gia đình được. Kinh doanh tại nhà ra đời và phát triển dường như đã trở thành một giải pháp cứu cánh cho những người luôn bận rộn như thế. Họ có thể chủ động về thời gian hơn, sắp xếp mọi việc ổn thỏa hơn. Và bài viết dưới đây sẽ đưa ra một số gợi ý về hình thức kinh doanh tại nhà mà bạn, hay bất kỳ người bận rộn nào đó có thể tham khảo.
1. Kinh doanh tại nhà với website bán hàng trực tuyến
Thương mại điện tử đang phát triển nhanh chóng mặt tạo nên bước đà cho việc bán hàng trực tuyến. Nếu bạn không có đủ nguồn vốn để mở một cửa hàng vật lý, hay quá bận rộn để quản lý cửa hàng đó, vậy thì bán hàng online không phải lựa chọn tồi khi bạn muốn kinh doanh tại nhà.
Hiện nay có rất nhiều hình thức bán hàng trực tuyến, đơn giản nhất là bạn sử dụng các diễn đàn, trang mạng xã hội để đăng bài quảng cáo và thu hút khách hàng tới. Nếu muốn chuyên nghiệp hơn bạn có thể thiết kế một website riêng từ các công cụ hỗ trợ có sẵn hay thuê người làm.
Kinh doanh trực tuyến là một mảnh đất hoàn toàn mới, nó có những đặc thù riêng từ việc tiếp cận, thu hút khách hàng, bán hàng cho đến dịch vụ sau bán. Trước khi có ý định mở một cửa hàng online bạn cần tham khảo thật kỹ các kiến thức cơ bản về thương mại điện tử, như cách vận hành website, nghiệp vụ bán hàng, thanh toán hay vận chuyển, để không bỡ ngỡ dẫn đến sai sót trong quá trình kinh doanh.
Vì kinh doanh tại nhà, bạn sẽ không có kho hàng chuyên nghiệp nên vấn đề nhập hàng, bảo quản cũng nên được đặc biệt quan tâm. Mặc dù được chủ động thời gian hơn nhưng để bán hàng trực tuyến hiệu quả nhất bạn cần có các thiết bị di động, hơn là chỉ dùng máy tính, giúp theo dõi các hoạt động bán hàng thường xuyên
2. Kinh doanh đồ ăn
Đây là một ý tưởng không hề tồi với những người phụ nữ đang có ý định kinh doanh tại nhà, đặc biệt là người đam mê nấu nướng. Hiện nay dân văn phòng thường rất ngại phải đi ăn quán, vừa vất vả đi ra đi vào vừa không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nắm bắt nhu cầu đó bạn có thể nấu ăn tại gia và chuyển đến các công ty, chắc chắn sẽ kiếm được một khoản không nhỏ.
Ngoài đối tượng khách hàng này bạn có thể nhắm đến giới trẻ với đồ ăn vặt như bánh ngọt, chè Thái, trà sữa Đài Loan, nem chua rán,…Tuy lợi nhuận thu về trên một món ăn không cao như bán cơm văn phòng, nhưng bù vào đó bạn có thể bán được rất nhiều nếu biết nắm bắt xu hướng đồ ăn vặt hiện thời. Tôi còn nhớ có đợt thạch dừa xiêm nổi lên, cô bạn tôi nhân cơ hội đó nhập về tự làm hàng chục quả rồi rao bán trên mạng và mối quen, chỉ hơn một tháng mà lãi thu về đã gần chục triệu.
Kinh doanh đồ ăn tại nhà quan trọng nhất là chất lượng sản phẩm, người ta tìm đến dịch vụ này đa phần vì muốn đảm bảo an toàn thay vì việc ra quán làm ăn mất vệ sinh. Dù không ai dám sát nhưng bạn vẫn nên tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình chế biến, sử dụng dụng cụ và thiết bị sạch sẽ, đúng chuẩn để món ăn làm ra luôn đạt chất lượng cao.
Thêm một vấn đề nữa mà bạn nên chú ý, đó là khâu vận chuyển, do yêu cầu của một số món ăn phải tươi nóng nên bạn phải lựa chọn hình thức giao vận nào nhanh mà đảm bảo nhất để phục vụ khách hàng. Nếu không thể tự giao hàng bạn cần có một người hoặc kênh vận chuyển riêng, và luôn chắc rằng họ làm việc cẩn thận, không làm hỏng, đổ món ăn.
3. May, sửa quần áo, phụ kiện
Thực tế thì đa phần chúng ta đều đi mua quần áo may sẵn chứ ít khi đặt may riêng, chỉ trừ những người có điểm đặc biệt về ngoại hình mà thôi. Và lẽ dĩ nhiên sẽ có lúc bạn ưng mẫu quần áo nào đó nhưng nó lại quá dài, quá ngắn hay quá rộng so với cơ thể bạn. Lúc ấy chắc chắn bạn sẽ nghĩ đến việc sửa nó một chút, như cắt bớt đi hay bóp ống lại, và rồi bạn tìm đến các cửa hàng may đo. Đây cũng là lý do vì sao tôi khuyên bạn nên nhận may, sửa quần áo, phụ kiện tại gia.
Khách hàng tìm đến bạn thường chỉ muốn sửa một lỗi nhỏ nào đó mà thôi, việc của bạn là làm sao cho khéo, để nó hoàn hảo trong mắt khách hàng. Đôi khi chỉ là sửa lại cái cúc, thay cái khóa thôi mà bạn cũng có thể kiếm được một khoản, nhân lên với lượng khách hàng chắc chắn sẽ cho bạn con số hài lòng.
- 10 lý do khiến bạn thất bại khi huy động vốn đầu tư (Phần 2)
- 10 lý do khiến bạn thất bại khi huy động vốn đầu tư (Phần 1)