Phú Mỹ vốn đã nổi tiếng cả nước với cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải. Phú Mỹ còn có một mũi nhọn phát triển thứ hai ít khi được thấy rõ: miền đất của các khu công nghiệp (KCN), tập trung dày đặc vào hàng nhất nước, hứa hẹn cung cấp dồi dào công việc cho người dân cũng như xây dựng nên một khu vực thịnh vượng, trù phú.
Lâu nay, khi nói về thủ phủ công nghiệp, mọi người thường sẽ nghĩ đến ngay Bắc Ninh ở phía Bắc và Bình Dương ở miền Nam. Một điều khác nữa là nhiều nhà đầu tư thường không chú ý đến KCN đó đang ở giai đoạn thủ tục/xây dựng nào để có quyết định đầu tư thích hợp. Trong quá trình tìm hiểu kỹ lưỡng, chúng tôi nhận thấy đa phần các trang web đều lấy thông tin cũ và sao chép với nhau, nên thông tin không còn chính xác. Để cống hiến những dữ liệu chính xác nhất cho đến hiện tại, chúng tôi làm theo phương pháp sau: tra cứu các văn bản pháp luật, đối chiếu các trang web chính quy uy tín, kiểm tra thực địa trên Google Maps… Trong bài này, chúng tôi sẽ trình bày 6 ưu thế nổi trội của mũi nhọn công nghiệp tại Phú Mỹ, ở phần hai chúng tôi sẽ đi sâu về Phú Mỹ với một số khuyến nghị cụ thể cho các nhà đầu tư.
Tóm tắt 6 ưu thế của Phú Mỹ
- Nằm giữa hai đầu mối giao thương số một của cả nước là sân bay Long Thành và cụm cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải.
- Quy hoạch bài bản, tập trung một bên Quốc lộ 51, bên kia là khu dân cư, khiến cho mật độ dân cư Phú Mỹ sẽ rất cao.
- Các KCN tập trung cao, mật độ KCN hàng đầu cả nước: 14,7%
- Tỷ lệ lấp đầy mới 76,92%, vẫn còn dư địa cho các doanh nghiệp đến thuê đất và sẽ thu hút tiếp rất nhiều lao động về đây. Khi lấp đầy tất cả các KCN ước lượng mật độ dân số các phường xung quanh KCN sẽ vào khoảng 335 người/km2 (cao hơn cả dân số thành phố Bà Rịa năm 2020 là 1.299 người/km2).
- Giá thuê đất ở mức trung bình và đang tăng mạnh: 2019 là 62 USD/m2, 2020 là 65 USD/m2, đặc biệt năm 2021 tăng 45% lên 94 USD/m2 (giá trung bình khu vực phía Nam là 115 USD/m2). Điều này cho thấy sức hút mãnh liệt các nhà đầu tư của các KCN Phú Mỹ.
- Thu hút vốn đầu tư khá tốt: lũy kế 9 tháng đầu năm 2021 là 1.086 triệu USD tăng 46% so với cùng kỳ năm 2020.
Vị trí chiến lược của Phú Mỹ
Phú Mỹ sở hữu một vị trí độc nhất vô nhị: nằm giữa hai đầu mối giao thương hàng đầu của cả nước và đẳng cấp quốc tế là sân bay quốc tế Long Thành (chỉ cách 9 km) và cụm cảng đặc biệt Cái Mép – Thị Vải. Trong khi đó, các KCN ở Bắc Ninh cách sân bay Nội Bài 17 km, cách cảng biển Hải Phòng 75 km. Ngay cả với các KCN ở Hải Phòng, sân bay Cát Bi thì kém xa sân bay Long Thành và cụm cảng biển Hải Phòng thì dù cho cùng ở thứ hạng cảng đặc biệt, nhưng chỉ mới tiếp nhận tàu container trọng tải đến 132.900 DWT, trong khi đó cảng Cái Mép – Thị Vải đã từng đón tàu Margrethe Maersk nặng 214.121 DWT, trở thành một trong 20 cảng lớn trên thế giới có khả năng tiếp nhận tàu siêu trọng tải kích cỡ này. Nếu như công nghiệp Bình Dương và Biên Hòa phát triển mạnh vì ở gần và như là một cánh tay nối dài của TP. Hồ Chí Minh, thì Phú Mỹ hiện đang thu hút các công ty, hãng xưởng vì rất thuận tiện cho việc nhập – xuất hàng hóa, giảm bớt chi phí và thời gian vận chuyển; đồng thời môi trường sống, giải trí biển Vũng Tàu – núi Dinh cũng là yếu tố thu hút đội ngũ công nhân – chuyên gia về đây sinh sống và làm việc.
Bài viết hay nên đọc
- Đầu tư bất động sản ăn theo khu công nghiệp có còn thơm không?
- Nhận biết 7 giai đoạn của sóng BĐS ăn theo khu công nghiệp
- Quy định của tỉnh BRVT về phân lô tách thửa khi chờ QH 2020-2030
- Nên đầu tư đất TP Bà Rịa – Thị xã Phú Mỹ – Thị xã Bến Cát?
Được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những trung tâm trung chuyển vận tải hàng không hiện đại hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á, sân bay Long Thành giai đoạn 1 khi hoàn thành vào năm 2025 sẽ có công suất 25 triệu khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Còn cụm cảng biển Vũng Tàu năm 2020 đã thông qua 113,23 triệu tấn hàng hóa (cụm cảng Hải Phòng 84,95 triệu tấn), được dự tính đến năm 2030 sẽ thông qua khoảng 221,8 – 255 triệu tấn hàng hóa, vượt qua cả cụm cảng TP. HCM (201,6 – 236,9 triệu tấn). Với lợi thế nằm ngay giữa hai đầu mối vận tải hàng đầu của cả nước, công nghiệp Phú Mỹ chắc chắn sẽ thu hút đặc biệt ngày càng nhiều tập đoàn đa quốc gia và các công ty xuất nhập khẩu đến mở nhà máy. Không lạ gì nếu như nhờ hai đôi cánh vĩ đại ấy, những năm tới Phú Mỹ sẽ vươn lên thành một thành phố công nghiệp nổi trội và hàng đầu trong cả nước.
Trong xu hướng toàn cầu hóa và hưởng lợi ích từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, hoạt động xuất nhập khẩu Việt Nam tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây và thời gian tiếp theo. Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, tính chung 11 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng cao, đạt 599,12 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước. Mặt khác, Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí đối tác số 2 (về sản lượng) sau Trung Quốc xuất khẩu hàng hóa đường biển (bằng container) vào Mỹ. Trong 5 tháng đầu năm 2021, tổng sản lượng container hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ từ Việt Nam đạt 1.011.641 TEU, chiếm 8,75% thị phần toàn cầu, tăng 54% so với cùng kỳ năm 2020. Những số liệu ấy nói lên rằng cảng biển sẽ ngày càng phát triển và vị trí đặt nhà máy trong các KCN gần cảng biển – cảng hàng không sẽ là một yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp xem xét.
Phú Mỹ được quy hoạch bài bản
Nhìn vào bản đổ có thể thấy trong khi đa số các KCN tại các tỉnh nằm khá rải rác, trong khi đó Phú Mỹ ngay từ đầu đã quy hoạch các KCN tập trung hai bên Quốc lộ 51 và phần lớn nằm cạnh sông Thị Vải, tận dụng được lợi thế vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy cũng như đường biển đi các tỉnh và nước ngoài, còn bên kia Quốc lộ 51 sẽ là khu dân cư – điều này cũng khiến cho mật độ dân cư Phú Mỹ sẽ rất cao. Diện tích các KCN có qui mô từ trung bình đến rất lớn, đa số từ 300 – 1.000 ha, phù hợp cho các dự án đòi hỏi mặt bằng sản xuất rộng, vốn đầu tư lớn, xây dựng được nhiều nhà xưởng, ngành nghề sản xuất mang tính chuyên môn hóa cao, các ngành công nghiệp nặng…
Đặc biệt KCN Phú Mỹ III là KCN chuyên sâu duy nhất tại Việt Nam, được chính phủ Nhật Bản và thủ tướng lựa chọn với Quyết định số 109/VPCP-QHQT được ký vào ngày 07/01/2014, là một trong 2 dự án KCN kiểu mẫu của cả nước, nằm trong thỏa thuận hợp tác và phát triển được ký kết giữa Việt Nam và Nhật Bản vào tháng 11/2011, nhận được nhiều chính sách ưu đãi về thuế, thời hạn thuê đất lên đến 70 năm và được xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng những yêu cầu khắt khe của các nhà đầu tư Nhật Bản.
Nền công nghiệp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) bắt đầu bằng KCN Mỹ Xuân A và KCN Đông Xuyên vào năm 1996, chỉ vừa sau giai đoạn thử nghiệm 1991 – 1995 với chỉ có 10 KCN được mở trên cả nước. Các KCN tỉnh tuy ra đời muộn hơn vài KCN khác trong vùng từ 3 – 5 năm, nhưng nếu xét trên tiêu chí qui mô diện tích KCN thì BR-VT thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển KCN, và chính quy mô – diện tích lại liên quan trực tiếp đến khả năng thu hút lao động, từ đó làm tăng dân số cơ học và giá trị đất của một địa phương.
Mật độ các khu công nghiệp tại Phú Mỹ cực kỳ cao
Qua tìm hiểu kỹ lưỡng, chúng tôi rút ra được so sánh quy mô các KCN trong bảng so sánh dưới đây, chi tiết từng tỉnh sẽ được đưa ra trong các bảng ở cuối bài viết. Số liệu cho thấy ở thời điểm năm 2021, xét về tỷ lệ diện tích của các KCN đang hoạt động trên diện tích tự nhiên thì tỉnh Bắc Ninh 3,9% dẫn đầu (vì là tỉnh có diện tích nhỏ nhất nước) và BR-VT chỉ đứng sau một chút với con số 3,7%. Tuy nhiên ở cấp đơn vị huyện thì thị xã Phú Mỹ vượt qua tất cả các địa phương khác và trở thành nơi có mật độ các KCN đang hoạt động cao nhất nước (tỷ lệ diện tích các KCN trên diện tích tự nhiên của thị xã là 14,7%).
Tính theo các KCN đã được đưa vào quy hoạch phát triển KCN trên cả nước đến năm 2021, Phú Mỹ tuy xuống hạng hai với 17,6% – đứng sau thị xã Bến Cát 21,5% – nhưng vượt xa cả hai huyện khác có nhiều KCN nhất là Quế Võ của Bắc Ninh 10,5% và Long Thành của Đồng Nai 13,3% (xin xem các bảng cụ thể và nguồn trích dẫn ở cuối bài viết). Với mức độ tập trung cao như vậy, không khó hiểu nếu dân số Phú Mỹ có sự gia tăng liên tục đáng kinh ngạc những năm qua và thời gian sắp tới, một phần là vì tỷ lệ lấp đầy của KCN Phú Mỹ vẫn vào hạng trung bình.
Tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp Phú Mỹ
Tính đến tháng 9/2021, các KCN Bình Dương đã cho thuê đất với tổng diện tích 6.826,05 ha, tỷ lệ lấp đầy là 89,85%. Còn Đồng Nai thì đã hơn 84% vào cuối năm 2020. Còn theo Sách Trắng Bất động sản Công nghiệp Việt Nam 2021 của Savills, tỷ lệ lấp đầy trung bình các KCN ở miền Bắc và miền Nam đều là khoảng 87%, trong đó TP. Hồ Chí Minh là 100%, Đồng Nai 95%, Bắc Ninh 99%, riêng Bình Dương tăng trưởng âm -8% chỉ còn 91%. Với BR-VT, theo báo cáo của Ban Quản Lý các KCN thì đến thời điểm tháng 9/2021, tổng diện tích đất thuê là 3.235 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy là 55,24% trên tổng số KCN hiện hữu và 65,67% trên số KCN đã hoàn thiện xây dựng hạ tầng (13 KCN). Riêng thị xã Phú Mỹ, tỷ lệ lấp đầy là 76,92%. Một con số vừa phải, không quá thấp phản ánh sức thu hút đầu tư kém cỏi, cũng không quá cao cho thấy không còn đất để thuê nữa. Như vậy, dư địa cho các doanh nghiệp đến thuê đất ở các KCN tại Phú Mỹ vẫn còn khá nhiều, đồng nghĩa với việc sẽ còn thu hút rất nhiều lao động về đây.
Số lao động năm 2020 tại các KCN ở Phú Mỹ vào khoảng 44.524 người, tương ứng với tỷ lệ lấp đầy là 76,92% (đã thuê 2.438 ha) trên tổng số 9 KCN đang hoạt động, có diện tích 4.884,46 ha. Dự kiến khi tăng lên thành 12 KCN với tổng diện tích 7.294 ha (diện tích đất thuê khoảng 4.500 ha), thì nếu lấp đầy sẽ cần khoảng 82.000 lao động, nghĩa là Phú Mỹ có thêm khoảng 37.500 lao động. Người lao động địa phương ước lượng chiếm 1/4, nên sẽ có khoảng 28.000 người từ ngoài thị xã đến. Giả sử cứ mỗi người về đây làm đem theo 2 người (là cha, mẹ, vợ, con…) thì dân số Phú Mỹ sẽ tăng lên khoảng 84.000 người. Người lao động chủ yếu tập trung trong các đô thị gần KCN là 5 phường Phú Mỹ, Hắc Dịch, Mỹ Xuân, Tân Phước, Phước Hòa, với tổng diện tích là 187,2 km2. Dân số năm 2019 của 5 phường này đã là 138.525 người (mật độ 740 người/km2), khi tiếp nhận đủ số lao động về lấp đầy các KCN thì dân số nội thị ở các phường giáp KCN của Phú Mỹ sẽ tăng lên khoảng 250.000 người, mật độ sẽ vào khoảng 1.335 người/km2, cao hơn cả dân số thành phố Bà Rịa năm 2020 là 1.299 người/km2. Và khi dân số tăng cao chắc chắn sẽ thúc đẩy giá đất lên rất nhiều! Trước mắt là giá thuê đất của KCN Phú Mỹ đã tăng vọt trong năm 2021.
Giá thuê đất khu công nghiệp Phú Mỹ ở mức trung bình nhưng đang tăng mạnh.
Qua 4 hình ở phần trên có thể thấy giá thuê đất trung bình của các KCN tại BR-VT năm 2019 là 62 USD/m2, 2020 là 65 USD/m2. Đặc biệt năm 2021 chứng kiến sự gia tăng vượt bậc gấp 4,5 lần mức bình quân cả nước: tăng 45% lên 94 USD/m2. Trong khi đó, giá thuê đất trung bình cho mỗi chu kỳ thuê năm 2021 khu vực phía Nam là 115 USD/m2, đứng đầu là TP. HCM 161 USD/m2, Long An 138 USD/m2, Bình Dương 108 USD/m2, Đồng Nai 104 USD/m2 (Bắc Ninh 106 , tăng 11%). Như vậy, so với xung quanh thì Phú Mỹ vẫn là vùng trũng về giá thuê đất công nghiệp, cộng với những tiềm năng to lớn đang thành hiện thực, không lạ gì khi các doanh nghiệp tuôn về đây đặt nhà máy, khiến giá thuê đương nhiên lên cao, và dù đang tăng nhưng vẫn còn mềm so với giá của Đồng Nai, Bình Dương, nên chắc chắn sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những năm tới.
Bà Rịa Vũng Tàu thu hút vốn đầu tư khá tốt
“Báo cáo thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài đang dần dịch chuyển tới các tỉnh, thành phố không phải là các địa phương có bề dày về phát triển các khu công nghiệp… Vốn FDI đổ vào Bến Tre, Long An, BR-VT, Bạc Liêu ở phía Nam hay Hà Nam, Phú Thọ, Quảng Ninh ở phía Bắc âm thầm tăng lên mỗi ngày, hiện chiếm gần 37% tổng vốn FDI đăng ký mới 10 tháng [năm 2020], so với mức hơn 12% năm 2018, và gần 10% năm 2019… Savills Việt Nam đánh giá sự chuyển dịch vốn FDI về những vùng lân cận và vùng đất mới là sự diễn tiến tự nhiên khi các đơn vị đi thuê và nhà đầu tư sản xuất bắt đầu nhìn vào các tỉnh công nghiệp khác, do trên thực tế, diện tích đất trống tại các khu vực chính ở phía Bắc như Bắc Ninh, Hưng Yên; và ở phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai là đang dần trở nên khan hiếm.”
Các KCN trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh BR-VT, mặc dù năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng tình hình thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn rất khả quan, tổng vốn thu hút đầu tư tại các KCN lũy kế 9 tháng đầu năm 2021 là 1.086 triệu USD tăng 46% so với cùng kỳ năm trước, đạt 172,38% kế hoạch. Trong 9 tháng, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 32 dự án trong nước và 11 dự án nước ngoài. Như vậy tính lũy kế cho đến tháng ngày 15/9/2021 trong các KCN của tỉnh hiện có 502 dự án còn hiệu lực, bao gồm 246 dự án trong nước với vốn đầu tư 126.366 tỷ đồng và 1.018 triệu USD, và 256 dự án nước ngoài với vốn đầu tư 11.825 triệu USD.
“Kiên trì theo đuổi mô hình thu hút đầu tư có chọn lọc, tỉnh BR-VT đã vươn lên vị trí thứ 2 chỉ sau Hà Nội về thu hút các dự án có giá trị lớn và hàm lượng công nghệ cao. Bình quân một dự án có vốn đầu tư 48 triệu USD. Suất đầu tư khá cao 6,7 triệu USD/ha, tiết kiệm đất và năng lượng nên tỷ lệ lấp đầy ở các KCN mới chỉ chiếm khoảng 51%, dư địa cho việc thu hút đầu tư còn rất nhiều. Các doanh nghiệp đang hoạt động tại các KCN trên địa bàn tỉnh đa phần đều có trình độ công nghệ tiên tiến, sản phẩm có hàm lượng khoa học – công nghệ cũng như có giá trị gia tăng cao và thân thiện với môi trường.”
Mặt khác, theo các bản Báo cáo Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh BR-VT theo các năm, thì giá trị sản xuất công nghiệp (trừ dầu khí) của cả tỉnh từ năm 2015 đến 2019 tăng trưởng lần lượt là 7,52%, 7,6%, 8,44%, 8,72%, 8,89%; năm 2020 dù dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề nhưng mức tăng trưởng vẫn là 8,25% (cả cả nước 3,36%, Đồng Nai 6,2%). Một sự tăng trưởng rất đều đặn, chắc chắn sẽ thu hút ngày càng nhiều đầu tư và lao động về, đưa BR-VT và Phú Mỹ thành công xưởng mới cho cả miền Nam, cung cấp dồi dào công việc cho dân số cơ học chuyển đến.
Tổng kết về các KCN tại Bà Rịa – Vũng Tàu và Phú Mỹ năm 2021
Điểm lại những cái nhất của các KCN Phú Mỹ: vị trí độc nhất nằm giữa sân bay Long Thành và cụm cảng Cái Mép – Thị Vải, mật độ các KCN vào hàng cao nhất nước khi tỷ lệ tổng diện tích các KCN đang hoạt động trên diện tích tự nhiên của toàn thị xã là 14,7%, giá thuê đất năm 2021 gia tăng cao nhất nước gấp 4,5 lần mức bình quân cả nước: tăng 45% lên 94 USD/m2… Với những ưu thế nổi bật trên, không lạ gì nếu Phú Mỹ sẽ là thành phố công nghiệp hàng đầu của miền Nam và cả nước!
Nguồn: CEO Anthony Nghi & Trí Dũng – https://phumydgland.net
https://giaphucland.com/ba-ria-vung-tau
Xem thêm bài viết chuyên về Phú Mỹ
Phân tích tiềm năng thị trường đất Phú Mỹ trong năm 2024 5 lý do khách chọn mua đầu tư đất Phú Mỹ 10 lý do chính nên dịch chuyển cảng Sài Gòn về cảng Cái Mép Thị Vải Tổng quan thị trường nhà đất Bà Rịa – Vũng Tàu năm 2024 Tìm hiểu về phường Tóc Tiên của thị xã Phú Mỹ