Kinh doanh quần áo hàng thùng ngày càng được nhiều người lựa chọn, bởi mặt hàng này không cần đầu tư chi phí lớn mà sức mua của khách hàng vẫn cao. Với giá thành rẻ và mẫu mã đa dạng, các cửa hàng quần áo hàng thùng đã trở thành địa điểm được các bạn trẻ thường xuyên lui tới.
Những bí kíp mà KiotViet gợi ý trong bài viết dưới đây chắc chắn sẽ giúp bạn HỐT BẠC từ lĩnh vực kinh doanh này!
1. Xác đinh vốn
Các sản phẩm hàng thùng thường có mức giá “mềm hơn” so với quần áo mới nên số vốn đầu tư bỏ ra cũng không quá lớn. Trung bình, với khoảng 30 – 50 triệu đồng, bạn có thể trả tiền hàng và trang trải những chi phí phát sinh khác. Tuy nhiên, nếu bạn chọn hình thức kinh doanh online thì số vốn sẽ được tối ưu hơn, khoảng 20 – 30 triệu đồng vì không phải thuê mặt bằng kinh doanh. Để xác định được chính xác nguồn vốn ban đầu bạn cần dựa trên quy mô cửa hàng và khả năng tài chính của mình.
2. Tìm kiếm nguồn hàng
Chất lượng và độ ổn định của nguồn hàng là yếu tố quyết định sự “thành hay bại” của hoạt động kinh doanh. Đặc biệt với kinh doanh quần áo hàng thùng bởi đây là mặt hàng đã qua sử dụng, việc lựa chọn nguồn hàng phải thật tỉ mỉ và kỹ lưỡng. Những mối hàng uy tín, chất lượng sẽ giúp cửa hàng tiết kiệm được tối đa chi phí và mang lại nguồn lợi nhuận rất cao.
Một số nguồn nhập hàng “xịn” bạn có thể tham khảo như:
– Hàng nhập từ nước ngoài: Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc…Quần áo từ các nước châu Âu có chất lượng tốt nhưng thường có size to hơn so với vóc dáng của người Việt. Còn những sản phẩm nhập từ Hàn Quốc, Nhật Bản kiểu dáng đa dạng, bắt mắt và size phù hợp với người Việt Nam nên được lựa chọn nhiều hơn. Tuy nhiên, bạn vẫn phải cẩn thận, kiểm tra kỹ lưỡng kiện hàng để tránh hàng bị lỗi nhiều.
– Hàng trong nước: Tại Hà Nội có chợ Đông Tác (dưới chân khu tập thể Trung Tự), chợ Kim Liên (Đống Đa), Maniac (số 34, ngõ 231, chùa Bộc),…. Hồ Chí Minh có chợ Nhật Tảo, Bàn Cờ, Tân Định,…..
3. Tân trang cho sản phẩm
Hầu hết quần áo hàng thùng đều không còn mới. Chính vì vậy, khách hàng sẽ “chạy mất dép” nếu như sản phẩm của bạn nhàu nhĩ, ố vàng và hôi hám. Ngay khi nhập hàng về, hãy phân loại từng nhóm sản phẩm và làm mới chúng bằng các công nghệ giặt, tẩy, hấp và là thật “phẳng phiu” trước khi đưa quần áo lên kệ.
Xong bước tút tát về chất liệu, mẫu mã, bạn hãy chú ý đến nhãn mác sản phẩm. Sử dụng mác cho quần áo theo tên shop của mình, có đầy đủ giá cả hoặc chi tiết hơn là size số quần áo không chỉ tạo cho cửa hàng sự chuyên nghiệp mà còn gây ấn tượng với khách hàng.
4. Tạo chương trình ưu đãi
Mặc dù, giá của quần áo hàng thùng khá là rẻ so với những sản phẩm khác trên thị trường nhưng xây dựng chương trình ưu đãi luôn là điều cần thiết, giúp thúc đẩy nhu cầu mua sắm của khách hàng và tăng doanh thu đáng kể. Bạn có thể bán đồng giá cho toàn bộ sản phẩm, giảm giá riêng từng nhóm hàng hoặc tặng thêm cho khách khi mua số lượng nhất định.
Trong thời gian diễn ra khuyến mại, hãy sử dụng phần mềm quản lý bán hàng để kiểm soát hàng hóa và thông tin khách hàng thật chi tiết. Đó sẽ là cơ sở để bạn có thể điều chỉnh và xây dựng những chương trình ưu đãi mang lại hiệu quả cao hơn.