Nhập hàng là một trong những khâu quan trọng, góp phần vào hiệu quả kinh doanh của cửa hàng thời trang. Nếu tránh được 3 sai lầm dưới đây, các shop không chỉ thoát khỏi tình trạng hàng tồn kho quá lớn mà còn có một mùa kinh doanh bội thu.
1. Ôm hàng số lượng lớn
Tình trạng “ôm hàng” xảy ra ở rất nhiều shop thời trang bởi những lý do như: Nhà cung cấp yêu cầu số lượng sản phẩm tối thiểu trên một đơn hàng lớn hoặc nhập càng nhiều hàng, chiết khấu càng cao. Bên cạnh đó, bất cứ cửa hàng nào cũng muốn có sẵn hàng để đáp ứng nhu cầu của khách.
Tuy nhiên, các chủ shop quên mất một trong những rủi ro lớn của ngành thời trang chính là hàng tồn. Hàng tồn thường bị lỗi mốt, mất giá nhanh, chiếm nhiều diện tích và cực khó thanh lý. Nếu như các ngành khác chỉ cần giảm giá sâu là bán được thì hàng tồn thời trang sẽ mất vài ngày, nhất là sản phẩm có tính mùa vụ. Chính vì thế, kinh nghiệm dành cho các chủ cửa hàng là bán từ ít đến nhiều để có đánh giá chính xác về khả năng tiêu thụ sản phẩm và những biến động của thị trường.
2. Đón trước mùa vụ
Cửa hàng thời trang xuất hiện trên khắp các con phố, thậm chí với mức độ dày đặc khiến cho việc “thừa thãi” hàng hóa là điều hoàn toàn dễ hiểu. Điều này đồng nghĩa rằng, xu hướng “đi tắt đón đầu” sẽ không mang lại hiệu quả bởi shop nào cũng sẽ áp dụng giống cửa hàng bạn. Chính vì thế, bạn chỉ cần đảm bảo hàng về trước khoảng 5 – 7 ngày là đã có thể bắt đầu một mùa vụ kinh doanh mới rồi.
3. Giá thiếu cạnh tranh
Khi quyết định mua sản phẩm, khách hàng thường có xu hướng tham khảo ở rất nhiều shop khác nhau để so sánh về giá cả và chất lượng. Vì thế bạn cần nắm vững được chiến lược giá cạnh tranh trên thị trường để áp dụng cho shop của mình. Dù hàng hóa của bạn có đẹp đến mấy nhưng bán giá quá cao khách hàng cũng chỉ ghé thăm để chiêm ngưỡng chứ không mua. Chủ cửa hàng thời trang nên tham khảo mức giá hợp lý, không quá chênh lệch với đối thủ để có sức cạnh tranh và thu hút khách hàng.
Bên cạnh đó, sử dụng công cụ quản lý chuyên nghiệp giúp các cửa hàng thời trang hoạt động hiệu quả hơn từ khâu nhập hàng. Mọi thông tin hàng hóa nhập về được phần mềm cập nhật và lưu trữ chi tiết theo từng giao dịch. Nhờ đó, chủ cửa hàng có thể theo dõi chính xác tình hình nhập hàng và có những điều chỉnh phù hợp theo thực tế kinh doanh.