Cũng đều là những doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ nhưng tại sao đối thủ của bạn lại có doanh số cao hơn và được lòng khách hàng hơn trong lĩnh vực bán lẻ? Bí quyết của họ là gì?
1. Change: Dám thay đổi trong kinh doanh bán lẻ
Cuộc sống luôn là sự biến động không ngừng, môi trường kinh doanh bán lẻ cũng vậy, thường xuyên có những sự thay đổi về xu hướng, công nghệ, và hình thức, phương thức kinh doanh. Do vậy, doanh nghiệp của bạn không thể nằm ngoài vòng xoáy đó mà phải tìm cách thay đổi để thích nghi và tìm lối đi đúng đắn cho công ty của mình.
Sự thay đổi có thể là về định hướng kinh doanh, chiến lược kinh doanh, về lĩnh vực hoạt động, thậm chí còn phải thay đổi cả về nguồn lực con người.
Một ví dụ về sự thay đổi giải pháp kinh doanh, Viettel – tập đoàn viễn thông quân đội đã vươn lên vị trí thứ nhất trên thị trường viễn thông, chiếm tới hơn 45% thị phần sau khi ra một quyết định kinh doanh táo bạo khác với cách tư duy phổ biến thường thấy. Đó là chiến lược hướng đầu tư về nông thôn và từ bỏ thành phố. Sau khi Viettel thành công, các nhà mạng khác mới tìm đến thị trường này.
Một ví dụ nữa về TH True Milk, họ đã thành công trong sáng tạo khi đưa ra chiến lược kinh doanh với cách thức kinh doanh và định vị thương hiệu sáng tạo. Với họ, một sản phẩm khác biệt với ý tưởng đắt giá mới là phương cách thích hợp để chiến thắng những vị tiền bối thống trị hùng mạnh đi trước. TH True Milk đã phần nào tạo được khác biệt hóa với những nhãn hàng sữa khác trên thị trường và gắn tên tuổi của mình với ý niệm “sạch”.
2. Chance: Tìm kiếm cơ hội mới
Bên cạnh sự thay đổi, mỗi đơn vị, cá nhân kinh doanh bán lẻ cũng phải nhạy bén hơn với những cơ hội và tìm kiếm cho mình khả năng mới.
Nhiều doanh nghiệp, công ty bị hạn chế về vị trí cửa hàng, mặt bằng và diện tích trưng bày sản phẩm nhưng nếu phát huy tốt việc giới thiệu sản phẩm thông qua các phương tiện thông tin đại chúng thì vẫn đạt được doanh số bán hàng cao. Thậm chí, nên áp dụng hình thức lập website bán hàng để trưng bày sản phẩm lên đó, sản phẩm sẽ nhanh chóng được giới thiệu đến khách hàng.
Cơ hội mới còn là tìm kiếm thị trường mới, nhắc lại ví dụ về tập đoàn Viettel, việc hướng đầu tư về nông thôn cũng chính là một sự tìm kiếm cơ hội mới khi mà các thành phố lớn đã bị chiếm đóng bởi các đại gia viễn thông khác nên cơ hội cạnh tranh thu hẹp dần, hướng đến một thị trường khác là tìm cơ hội khác cho chính mình.
3. Co – Operate: Liên kết kinh tế
Phải hợp tác, liên kết, liên minh chiến lược với các đối tác trong lĩnh vực bạn cần để tạo nên thành công trong kinh doanh bán lẻ.
Sự liên kết này có thể là ở các khâu như thông tin, nguồn lực, giá trị, công việc, hay kinh doanh.
Là một doanh nghiệp, bạn không thể một mình làm hết tất thảy mọi việc được, dù sao cũng cần phải có đồng môn chiến lược để thuận lợi hơn khi kinh doanh. Do đó, liên kết với các đối tác cũng chính là đem lại hiệu quả cao nhất trong kinh doanh.
Thành lập nên các hiệp hội cũng chính là cách thức liên kết phổ biến của các doanh nghiệp Việt Nam.
Cuộc điều tra 7.820 doanh nghiệp trên cả nước được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam (VNCI) tiến hành tháng 5/2008 cho thấy vai trò của các hiệp hội kinh doanh trong việc góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp được đánh giá rất cao.
Hiện tại có khá nhiều hiệp hội được thành lập và đang hoạt động rất có hiệu quả như hiệp hội xăng dầu, hiệp hội nhựa Việt Nam, hiệp hội các nhà bán lẻ, hiệp hội dệt may, hiệp hội các nhà bán lẻ…
4. Challenge: Thách thức, vượt qua các khó khăn
Trong kinh doanh, gặp phải khó khăn thách thức là chuyện hết sức bình thường. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ các doanh nghiệp đối mặt với nó như thế nào. Nên suy nghĩ theo hướng tốt bởi trong mỗi thách thức đều tiềm ẩn những cơ hội mà không phải lúc nào chúng ta cũng có thể nhìn thấy được.
Điều quan trọng nhất là khi có khó khăn, sự đoàn kết, tương trợ lẫn nhau là một điều hết sức cần thiết và có lợi. Mà người Việt Nam thì thiếu nhất chính là đoàn kết. Khi nói về tính cách của người Việt, người Nhật đã nhận xét: “Các anh là những viên kim cương, còn chúng tôi là đất sét, đất sét kết dính với nhau được, còn kim cương thì không”! Điều đó cũng giải thích tại sao Nhật Bản, một đất nước nhỏ bé, thiếu thốn mọi bề về tài nguyên lại có sự phát triển vượt bậc và bền vững đến vậy.