Không chỉ là một khu vực tiềm năng để đầu tư khai thác thông qua mô hình trung tâm mua sắm lớn. Thị trường bán lẻ Việt Nam còn hấp dẫn bởi ở đây thị trường tiêu thụ phần lớn là người tiêu dùng trẻ, hơn nữa Việt Nam cũng không có quá nhiều đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực bán lẻ, chỉ những ai nhanh chân đầu tư vào thị trường này sẽ nắm chắc phần thắng.
Bất chấp nhiều dự báo bi quan về tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2013, tờ The Nation của Thái Lan vẫn tin rằng thị trường bán lẻ “non trẻ” và rộng lớn của Việt Nam đang ngày càng trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các công ty của Thái Lan và Nhật Bản.
Theo The Nation, đầu năm nay, Tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Thái Berli Jucker Pcl đã mua lại 65% cổ phần của công ty Thái An – đơn vị đang sở hữu 41cửa hàng tiện ích “B’s mart” ở TP.HCM.
Trong tháng 8 này, Berli Jucker tiếp tục khai trương thêm 3 cửa hàng B’s mart và dự định nâng tổng số các cửa hàng tiện ích kiểu này lên 61 ở TP.HCM vào cuối năm nay. Không chỉ dừng lại ở đó, Berli Jucker còn đặt mục tiêu sẽ có thêm khoảng 100 cửa hàng B’s mart vào năm tới và đến năm 2015 sẽ có tổng số 300 ở Hà Nội và các thành phố lớn của Việt Nam.
Ngoài ra, Central Pattana, tập đoàn phát triển trung tâm mua sắm hàng đầu của Thái Lan, cũng đang thảo luận với một đối tác Việt Nam để mở trung tâm mua sắm đầu tiên của tập đoàn này ở Việt Nam.
Không chỉ riêng doanh nghiệp Thái Lan nhìn thấy tiềm năng lớn của thị trường bán lẻ Việt Nam, mới đây, tập đoàn bán lẻ Aeon của Nhật Bản đã mở trụ sở tại TP.HCM và lên kế hoạch triển khai nhiều loại hình bán lẻ tại đây, trong đó có cửa hàng tiện lợi, siêu thị và trung tâm mua sắm. Tháng 12 năm ngoái, tập đoàn bán lẻ của Nhật này đã khai trương cửa hàng tiện lợi Mini Stop đầu tiên ở TP.HCM. Dự kiến vào năm tới, cửa hàng tiện ích Mini Stop của Aeon cũng sẽ xuất hiện tại Hà Nội.
Theo ông Phidsanu Pongwatana, Phó Chủ tịch Berli Jucker, nếu Thái Lan được các nhà đầu tư nước ngoài biết đến như một “đại dương đỏ”- nơi thị trường cạnh tranh gay gắt về giá cả thì Việt Nam lại được ví như “đại dương xanh”- một thị trường tiềm năng to lớn cho các nhà đầu tư.
Giải thích lý do chọn Việt Nam trở thành thị trường đầu tiên để khởi động hình thức kinh doanh bán lẻ hiện đại, ông Phidsanu cho rằng Việt Nam là thị trường lớn với số dân khoảng 90 triệu, trong đó người tiêu dùng trẻ tuổi chiếm tỷ lệ lớn. Trong khi đó, Việt Nam hiện không có quá nhiều đối thủ lớn trong lĩnh vực bán lẻ, phù hợp cho những nhà đầu tư nào nhanh chân kiếm lời nơi thị trường mới ít sự cạnh tranh.
Việt Nam hiện có khoảng 250 cửa hàng tiện lợi của những doanh nghiệp bán lẻ khác nhau, trong đó có 77 cửa hàng Shop & Go, 50 cửa hàng Circle K, 44 B’s mart và 17 cửa hàng Mini Stop.
Thương mại truyền thống vẫn chiếm ưu thế ở thị trường Đông Nam Á, nhưng theo ông Phidsanu các nhà bán lẻ hiện đại đang đẩy nhanh quá trình mở rộng thị trường. Việt Nam được đánh giá là một thị trường bán lẻ “non trẻ” và rộng lớn với nhiều tiềm năng để các nhà kinh doanh bán lẻ hiện đại phát triển.
Trong khi đó, theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, đại diện Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, việc một số nhà đầu tư nước ngoài nhìn nhận cơ hội gia nhập thị trường bán lẻ Việt Nam và tìm ra những “đại dương xanh” cho mình là điều không có gì lạ.
Thực tế, bất chấp những dự báo không mấy khả quan về kinh tế thế giới cũng như Việt Nam trong năm 2013 dường như vẫn không làm nản lòng các nhà bán lẻ trong và ngoài nước, đặc biệt là các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (Saigon Coop, Satra, Hapro, Phú Thái, Nguyễn Kim, Trần Anh, Fivimart, Fahasa, …) khi những kế hoạch mở rộng chuỗi cửa hàng vẫn đã và đang được thực hiện.
Hầu hết các nhà đầu tư vẫn kỳ vọng vào một thị trường tiềm năng với 90 triệu dân, trong đó dân số trẻ, những người thường xuyên mua sắm trong các kênh bán lẻ hiện đại chiếm tới khoảng 50%. Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa khá cao và xu hướng mua sắm thời hội nhập của người tiêu dùng Việt Nam cũng tạo nên sức hút mạnh mẽ cho thị trường bán lẻ. Trong khi đó, kênh bán lẻ hiện đại, vốn được coi là động lực phát triển chính của ngành công nghiệp dịch vụ bán lẻ tại Việt Nam, mới chỉ chiếm khoảng 23%. Chính vì thế cơ hội khai thác thị trường này còn rất lớn. Theo kế hoạch đến năm 2020, Việt Nam sẽ nâng tỷ lệ này lên 45%.
Theo bà Loan, việc nhiều nhà bán lẻ nước ngoài từ khắp nơi trên thế giới gia nhập thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ làm sôi động, phong phú hơn bức tranh tổng thể của thị trường, đưa ra nhiều lựa chọn hàng hóa và dịch vụ cho các phân khúc khách hàng khác nhau. Khi đó, các nhà bán lẻ “thuần Việt” chắc chắn sẽ phải nâng cao sức cạnh tranh hơn nữa trong cuộc chiến giành lòng tin của người tiêu dùng. Đó vừa là thách thức nhưng cũng vừa là cơ hội của doanh nghiệp ngành bán lẻ Việt Nam.