Tên gọi hàng Việt Nam Xuất Khẩu đã quá quen thuộc với người tiêu dùng nhưng đó là mặt hàng gì? Xuất xứ từ đâu và làm sao để có nhận biết, chọn lọc được hàng xuất “xịn” thì không nhiều người biết.
Trong bài viết “Vén tấm màn bí mật các mối hàng Việt Nam xuất khẩu “xịn”, Blog Sapo sẽ cung cấp cho các bạn những thông tin cần thiết về nguồn gốc xuất xứ, cũng như cách để phân biệt hàng “xịn” và hàng đội lốt Trung Quốc.
Tràn ngập chuỗi cửa hàng Made in Vietnam
Hàng Việt Nam xuất khẩu là gì?
Hàng VNXK là hàng hóa chính hãng được gia công tại Việt Nam, xuất khẩu đi các nước EU, châu Mỹ,… và không được phép bán trực tiếp ở trong nước. Muốn bán tại Việt Nam phải nhập khẩu lại từ nước ngoài. Vì thế giá sản phẩm rất cao vì chịu 2 lần thuế xuất khẩu, nhập khẩu, chi phí vận chuyển, VAT,…
Nguyên tắc sản xuất hàng VNXK là toàn bộ nguyên liệu, phụ kiện đều là hãng gửi sang và quá trình kiểm định rất nghiêm ngặt. Khi nhận được đơn hàng gia công cho chính hãng, các nhà máy chỉ được phép làm gia công khép kín trong phạm vi xưởng của mình.
Tất cả các nguyên liệu vật tư như da, đế, vải, chỉ may,… đều được chỉ định bởi chính hãng theo dạng tạm nhập tái xuất và dư thừa rất khiêm tốn 1%-3%/đơn hàng. Sản phẩm đều phải đạt tiêu chuẩn rất khắt khe trước khi được xuất đi.
Hàng việt nam xuất khẩu xịn
Hàng lỗi
Trong quá trình sản xuất, một số sản phẩm sẽ bị lỗi nho nhỏ, không được xuất ra nước ngoài. Mặc dù theo quy định, số mặt hàng này phải bị tiêu hủy bằng cách đốt hoặc cán bỏ (như mặt hàng giày thường bị cắt đôi hoặc cắt đế).
Nhưng trên thực tế tại Việt Nam, chúng thường được đưa ra ngoài kín đáo nhằm mang lại lợi nhuận cho công ty. Số hàng này bằng cách nào đó được tuồn ra ngoài với số lượng khá ít.
Hàng trên chuyền
Là hàng đang sản xuất (gọi là trên chuyền) bị công nhân ăn cắp để bán cho các cửa hàng nhỏ lẻ.
Hàng rớt hợp đồng (hàng rớt công)
Đây là các sản phẩm từ các đơn hàng không thể hoàn thàn hợp đồng kịp thời hạn, bị nước ngoài hủy hợp đồng. Các nhà máy buộc phải bán sản phẩm ra thị trường nội địa để thu lại chi phí.
Các sản phẩm này đều đạt tiêu chuẩn xuất đi, với số lượng rất lớn. Tuy nhiên trên thực tế, số lượng hàng rớt công cực thấp.
Hàng hải quan
là nguồn hàng được các doanh nghiệp đưa ra một lượng nhỏ để hải quan kiểm tra. Một số sản phẩm “bị làm luật” sẽ bị giữ lại và từ đó cũng được bán ra thị trường. Hàng hải quan thường không đầy đủ size
Hãng mẫu
Ngoài ra, còn một nguồn hàng nữa là hãng mẫu, là hàng bên hãng làm gửi sang Việt Nam để làm mẫu sản xuất hàng loạt bị “tuồn” ra để bán sau khi kết thúc hợp đồng. Đặc điểm của hãng mẫu là chỉ có một chiếc duy nhất, một cỡ duy nhất (ví dụ giày chỉ có một đôi và size 37) và thường có chữ “Sample” hoặc “Not for Sale”. Đây được xem là hàng xuất khẩu cao nhất song số lượng cực kỳ ít.
Vén tấm màn bí mật các mối hàng Việt Nam xuất khẩu “xịn”
Với hàng xuất xịn, các mối buôn có thể cho khách hàng xem hàng tại chỗ với đầy đủ nhãn mác, nơi sản xuất, giấy tờ chứng minh thùng xuất hàng đi thị trường nào, hộp, size, tags,…
Sau khi thương lượng xong những thứ đó sẽ bị hủy chỉ còn lại duy nhất sản phẩm trơn cần mua mà thôi. Chỉ có bạn là người mua hàng tận mắt chứng kiến nguồn gốc món hàng bạn có, còn khách hàng mua hàng thì không vì đó là quy định.
Đọc thêm: Mẹo chọn giày Việt Nam xuất khẩu xịn cho những người mới bắt đầu kinh doanh
Hàng nối – chuyền
Thấp hơn một cấp của hàng xuất xịn chính là hàng nối – chuyền. Thông thường, với mỗi đơn hàng xuất đi, nhà máy sẽ dư nguyên liệu vải, da… Bởi vì các hãng đặt hàng bao giờ cũng có phần trăm dư ra để dự phòng những cái áo bị lỗi, bị hỏng.
Ví dụ hãng đặt hàng 800 cái áo, mỗi cái áo 1.3m vải thì số vải mang sáng sẽ vào khoảng 1300 – 1400m. Nhưng người Việt tính rất tiết kiệm nên các công đoạn thường rất tỉ mỉ, ít xảy ra lỗi và từ đó xuất hiện nguyên liệu thừa.
Từ đó, họ sẽ tiếp tục thực hiện các mẫu hàng như mẫu hàng xuất đi. Tuy nhiên có thể mẫu hàng nối chuyên sẽ không thể giống hàng xuất đi vì thiếu các phụ kiện như khóa kéo, nút (số lượng khóa kéo, nút,… thường rất ít khi dư). Hàng nối chuyền chính hãng số lượng không nhiều, chất lượng khoảng 8/10 đến 9/10 so với hàng xuất đi.
Một số mẹo nhỏ giúp bạn chọn được hàng “xịn”
Trước tiên, Hàng VNXK xịn khá là khó tìm. Vì vậy nếu bạn thấy chúng được bày bán dưới những hình thức như “Xả hàng VNXK tồn kho”,… thì 90% chúng là hàng Trung Quốc đội lốt Việt.
Đối với quần áo Việt Nam xuất khẩu
Thương hiệu
Trước tiên phải khẳng định không phải thương hiệu thời trang nổi tiếng nào trên thế giới cũng thuê Việt Nam gia công quần áo, vì vậy trước khi nhập sản phẩm bạn cần phải lên website chính hãng tìm hiểu xem hàng của họ có gia công tại Việt Nam hay không.
Ví dụ như thương hiệu Versace của Ý và Burberry (Anh) không sản xuất tại Việt Nam nên không thể xuất hiện hàng VNXK của 2 thương hiệu trên được. Nếu bạn thấy tại nơi mình định nhập quần áo có tem mác ghi những thương hiệu trên thì chắc chắn đó là hàng Trung Quốc hoặc hàng Việt Nam làm nhái, bạn nên tìm một địa chỉ đáng tin cậy hơn.
Một số hãng hiện tại đang thuê các đơn vị tại Việt Nam gia công có thể kể đến như Zara, Mango, F21, H&M, Old navy…, quần áo trẻ em có GAP, Carter’s, The Children Place, Jumping Beans, Crazy8, Gymbore.
Tuy nhiên thông thường rất ít người có thể nhớ hết toàn bộ các hãng thời trang gia công tại Việt Nam cho nên bạn muốn nhập được hàng VNXK xịn, hãy tham khảo thêm những yếu tố dưới đây.
Nhãn mác, logo
Hiện nay hàng quần áo Trung Quốc làm giả khá cầu kỳ nhằm đánh lừa người mua hàng vì vậy những yếu tố như tem nhãn, mác lụa, tem sườn cũng rất dễ để nhái lại. Tuy nhiên khi nhập hàng bạn cần chú ý đến các yếu tố như số lô, mã vạch trên tem nhãn và bao bì phải đồng bộ thì mới là hàng thật.
Bên cạnh đó, quần áo Việt Nam xuất khẩu xịn, tem nhãn trên quần áo thường có hai hình thức: Một là được đính trực tiếp vào sản phẩm ở phần cổ áo, hông áo, cạp quần, lớp lót (để không lộ mũi chỉ mặt sau); hai là được in trực tiếp lên sản phẩm.
Những mác xịn này được gia công rất chắc chắn trong khi hàng Tàu tem nhãn thường siêu vẹo, lỏng lẻo vì mác này đã được gắn vào khi quần áo đã được may xong rồi.
Ngoài ra những hình thêu, dòng chữ trên mác rất tinh xảo, rõ ràng, bạn có thể dùng tay kéo nhẹ phần nhãn, nếu là hàng xịn chúng sẽ có độ đàn hồi nhất đinh, tự trở về trạng thái ban đầu, không có tình trạng đứt hay rạn.
Trên mỗi bộ quần áo xịn sẽ có từ 2 đễn 3 nhãn mác trở lên, thậm chí một số sản phẩm còn có 4-5 nhãn, mọi thông tin về sản phẩm đều được thông báo trên đó như: size, chất liệu, mã vạch.
Ví dụ như trên mác hông của hãng quần áo Puma luôn có một đường chỉ kim tuyến chạy dọc và có mã code, khi chúng ta soi ra đèn sẽ phát hiện ra đoạn mã này.
Logo Puma là hình con báo nhảy lên (vồ mồi) được thêu hoặc in ép lên trên sản phẩm, 2 tai của con báo có độ cao khác nhau (cần chú ý tới điều này khi nhập hàng), đầu con báo có hình dáng rõ rệt và bàn chân của chân sau hơi hõm lại.
Logo các hãng quần áo nổi tiếng trên thế giới đều rất rõ nét cho nên bạn cũng có thể nhìn vào chính logo để nhận biết hàng xịn, hàng giả. Bạn có thể theo dõi những hình ảnh dưới đây.
Tuy nhiên trên thực tế do đặc điểm là hàng Việt Nam xuất khẩu thường bị các doanh nghiệp trong nước cắt mác nhằm tránh bị phía đối tác phạt nên việc dựa vào chúng để nhận biết khá là khó khăn.
Nếu như bạn lần đầu nhập hàng Việt Nam xuất khẩu, không có nhiều kinh nghiệm, đừng nên phụ thuộc quá nhiều vào yếu tố này để phân biệt hàng thật, hàng nhái.
Kích cỡ
Bởi quần áo VNXK chủ yếu là do các doanh nghiệp gia công tuồn ra ngoài hoặc sản xuất lại từ những nguyên vật liệu dư thừa nên chúng không bao giờ đủ size, thường dao động trong khoảng 3 – 5 size và thường rất lộn xộn.
Như vậy nếu bạn thấy nguồn hàng quần áo VNXK có đầy đủ loại size, mỗi loại hàng trăm chiếc thì hãy nên cẩn thận, 80% chúng là hàng nhái.
Do quần áo VNXK chủ yếu phục vụ đối tượng là khách hàng châu Âu (EUR), Châu Mỹ (MEX, USA) có vóc dáng khá to cao nên không nhiều size nhỏ, cỡ M hay S (loại kích cỡ mà người Việt hay dùng).
Một dây hàng quần áo (khoàng 40-50 cái áo) thường chỉ có 2-3 size nhỏ. Ngoài ra người nước ngoài thường có cách đánh số size đặc trưng ví dụ như 180/70A nghĩa là áo này dành cho người cao 180cm, eo khaorng 70cm và chênh lệch eo – ngực cỡ A (14-18cm).
Ngoài ra các hãng thời trang khi gia công tại Việt Nam cũng thường yêu cầu đánh size theo từng nước, ví dụ như quần của người Mỹ từ 4 đến 18; Châu Âu từ 32 đến 54…
Chất vải, màu sắc
Đây là yếu tố rất dễ nhận biết giữa hàng VNXK xịn và hàng nhái, chỉ cần bạn có một chút kinh nghiệm là có thể nhập được hàng tốt.
Bởi hàng fake có giá mềm hơn rất nhiều nên chất lượng cũng rất kém, dùng khá nhiều nilon trong khi hàng xịn có chất liệu vải cực kỳ đẹp, sờ mát tay, mềm, không bị xù lông, không quá dày hoặc không quá mỏng.
Hàng VNXK có chất liệu chủ yếu là vải cotton và pha thêm tỷ lệ sợi tổng hợp nhất định để làm tăng tính đàn hồi, tránh bị nhàu (do đặc điểm của vải cotton là dễ nhàu) như rayon, spandex, polyester.
Song song với điều này, trên nhãn mác của hàng VNXK phải ghi rõ tỷ lệ kết hợp, pha trộn các chất liệu trên ví dụ 85% cotton, 20% spandex. Tuy nhiên vẫn có hàng VNXK được làm hoàn toàn từ rayon hoặc polyester.
Với loại quần áo này, trên nhãn mác sẽ có dòng chữ “dry clean only” (chỉ được giặt khô).
Về màu sắc của quần áo VNXK: Điều dễ dàng nhận thấy đó là hàng xịn bao giờ màu cũng kém tươi sáng, rực rỡ như hàng nhái.
Đặc biệt hàng nhái chỉ cần cho vào nước là ra màu (với quần áo màu), cho nên tôi khuyên bạn khi nhập hàng nên tự chuẩn bị cho mình một lọ nước nhỏ trong người, khi chủ cửa hàng không để ý, bạn có thể trực tiếp xịt lên quần áo màu sắp nhập để kiểm tra.
Đường may, họa tiết
Như đã nói trong một số bài trước, hàng VNXK kể cả giày dép hay quần áo đều được gia công rất tỉ mỉ, mọi đường nét đều có quy trình kiểm tra rất gay gắt. Cho nên dù là người tinh mắt nhất cũng khó có thể phát hiện ra một lỗi nào trong đường may hay họa tiết của hàng xịn.
Đường chỉ may quần áo xịn đều, sắc nét, tỉnh xảo. Bạn có thể vuốt nhẹ lên đường chỉ sẽ cảm thấy chúng rất chắc chắn, đồng đều. Ngoài ra hãy chú ý quan sát thật kỹ, nếu như hàng bạn định nhập có chỉ thừa vương vãi, dễ bị bung, đường may nối thì 100% đó là hàng giả
Đối với mặt hàng giày
Quy chuẩn sản phẩm
Hàng xuất khẩu xịn thường có dòng chữ “Made in…” in trên giày. Theo quy chuẩn hàng hóa thì chữ “Made in” phải được dập nổi hoặc chìm trên sản phẩm chứ không phải dán một chiếc tem ghi dòng chữ “Made in”. Và nó được in trên lót giầy, thành trong của giày hoặc in chìm trên đế giày.
Giày VNXK xịn có in chìm cỡ giày, tên thương hiệu và dòng Made in Vietnam mặt dưới đế và thành trong, có thông tin code mã hàng.
Vén tấm màn bí mật các mối hàng Việt Nam xuất khẩu “xịn”
Lưu ý tới gót giày
Gót giày xuất khẩu xịn thường rất mượt, form giày cứng cáp, đi vào rất êm chân. Giày fake khi cầm vào sẽ không có cảm giác chắc chắn, đi vào cứng, không thoải mái.
Màu sắc rõ ràng
Giày VNXK bao giờ màu cũng đậm, rõ, chất liệu bền đẹp. Còn với giày Trung Quốc màu sắc không được sắc nét, có thể dễ nhận biết nếu bạn hay mua sắm.
Vén tấm màn bí mật các mối hàng Việt Nam xuất khẩu “xịn”
Nhập được nguồn hàng chất lượng, là các bước mở đầu quan trọng nếu muốn kinh doanh thành công. Để chọn được nguồn hàng quần áo VNXK xịn, bạn cần có kiến thức đầy đủ và mối quan hệ rộng.
Tôi khuyên bạn trong những lần đầu nhập mặt hàng này nên nhờ những người đủ tin cậy đi kèm, họ sẽ hướng dẫn bạn trực tiếp nhận biết được đâu là hàng xịn và đâu là hàng nhái.
Nhận biết được hàng Việt Nam xuất khẩu không quá khó nếu như bạn có kinh nghiệm. Hy vọng với những gì Blog Sapo chia sẻ, bạn có thể tự lựa chọn cho mình những sản phẩm có chất lượng thật tốt với giá thành tiết kiệm.