Các yếu tố giúp chạy quảng cáo Google Shopping hiệu quả, bao gồm: Tối ưu giá thầu; Tối ưu trang đích; Tối ưu hiển thị sản phẩm trên trang tìm kiếm. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm đặt giá thầu và tối ưu giá thầu, giúp quảng cáo đạt được hiệu quả tốt nhất với chi phí thấp nhất. Bạn biết đấy, về bản chất, giá thầu với quảng cáo Google Shopping không khác với giá thầu trong quảng cáo Google Adwords, đều là số tiền bạn sẵn sàng bỏ ra cho một lượt click chuột của khách hàng tiềm năng vào mẫu quảng cáo của bạn.
1. Giá thầu bao nhiêu là hợp lý?
1.1. Công thức đặt giá thầu
Về nguyên tắc, cược thầu dù bằng cách nào, bạn cũng không được vượt quá ngưỡng giới hạn, nghĩa là đảm bảo không bị lỗ vốn. Đã bán là phải có lãi. Dưới đây là công thức tìm ra giá thấu khả dụng (CPC) dành cho bạn:
Giá thầu khả dụng = CPC tối đa X 0,4 -> 0,7 Trong đó: CPC tối đa = Lợi nhuận tối đa (Giá bán – Giá vốn) X Tỷ lệ chuyển đổi sản phẩm
Ví dụ: Giá nhập một chiếc áo sơ mi nam của bạn là 200,000đ. Giá lẻ dự kiến là 300,000. Thông thường bạn thống kê thấy rằng, cứ 100 người (visitors) vào website, thì có 5 người mua hàng. Vậy tỷ lệ chuyển đổi là 5%. Bây giờ xác định giá thầu khả dụng cho sản phẩm này như sau:
Giá thầu khả dụng min = (100,000 X 5%) X 0,4 = 2,000đ Giá thầu khả dụng max = (100,000 X 5%) X 0,7 = 3,500đ Vậy bạn có thể cược thầu cho chiếc áo sơ mi này trong khoảng chi phí 2,000 – 3,500đ
1.2. Chọn sản phẩm có tỉ lệ chuyển đổi cao nhất
Lượt chuyển đổi cao thường đến từ tìm kiếm tự nhiên (organic search). Tỉ lệ chuyển đổi với tìm kiếm trả tiền (paid search) thường thấp hơn so với tỉ lệ chuyển đổi toàn trang (có đôi khi ngang bằng nhau) từ 10 – 30%. Điều này không phải lúc nào cũng đúng. Bởi khi bóc tách từng danh mục sản phẩm để quảng cáo trên Google shopping, chúng tôi thấy, có những dòng sản phẩm, tỉ lệ chuyển đổi cao gấp 2 – 3 lần so với trung bình trang. Vì thế, hãy bình tĩnh và cẩn thận đặt giá thầu cho từng sản phẩm, tìm ra đâu là sản phẩm giúp bạn thu nhiều tiền nhất khi quảng cáo Google mua sắm, và chiến nó.
1.3. Đặt giá thầu thấp hơn giá thầu max
Hãy áp dụng công thức bên trên để đưa ra giá thầu phù hợp đảm bảo bạn không lỗ sấp mặt. Mức giá thầu tuyệt vời nhất để bắt đầu là bằng ½ giá thầu max, nhưng đừng áp dụng công thức này một cách máy móc, bạn cũng nên linh hoạt lựa chọn giá thầu trong khoảng từ 0,4 – 0,7, miễn là thấp hơn giá thầu max là được.
2. Nguyên tắc cược thầu ban đầu
Khi mới chạy chiến dịch quảng cáo, bạn cần vài lần điều chỉnh giá thầu để đạt được lượt hiển thị và nhấp chuột như mong muốn. Đừng nề hà việc điều chỉnh giá thầu tăng liên tục trong vài tuần đầu tiên. Nhà quảng cáo nào cũng phải làm như vậy bạn ạ! Tôi chỉ khuyên bạn mỗi lần điều chỉnh giá thầu nên tăng trong khoảng từ 660đ – 2,200đ.
Với những chiến dịch quảng cáo mới toanh trên Google shopping, rất hiếm khi đốt sạch hết ngân sách hàng ngày. Bởi ở giai đoạn đầu, Google sẽ hiển thị thận trọng quảng cáo của bạn, chờ xem phản ứng từ người dùng. Đến lúc, các chỉ số của bạn được cải thiện theo thời gian, Google mới bắt đầu hiển thị quảng cáo thường xuyên hơn cho các truy vấn có liên quan.
Ngoài giá thầu cho từng click, bạn cần đưa ra một lượng ngân sách hàng ngày đủ để chiến dịch bắt đầu suôn sẻ.
Một lần nữa, giả như, bạn kinh doanh quần áo nhé, và đang muốn quảng cáo một mẫu có giá 300,000đ; sau khi xem xét giá thầu Google gợi ý, cũng như công thức giá thầu Max tôi nêu ở trên, bạn quyết định đặt giá thầu là 1,200đ. Nhưng ngân sách hàng ngày bạn chỉ cài có 12,000đ thôi. Điều này có gì sai sai! Đừng làm thế! Theo cách set-up của bạn, Google sẽ hiểu là chỉ cần 10 lượt hiển thị là bạn hết sạch tiền rồi. Vì thế, Goolgle sẽ càng dè dặt hiển thị quảng cáo của bạn trên mạng lưới shopping. Theo tôi, bạn nên quan tâm đến cách phân phối quảng cáo của mình
Như Google Adwords, Google shopping cũng có hai cách phân phối quảng cáo. Bạn có thể cài đặt cách sử dụng ngân sách của bạn như thế nào mỗi ngày: nhanh nhất có thể hay dàn trải suốt cả ngày. Cài đặt này ảnh hưởng đến thời điểm quảng cáo của bạn có khả năng hiển thị trong ngày. Tôi khuyên bạn chọn hình thức phân phối nhanh. Phân phối nhanh có nghĩa là Google sẽ hiển thị quảng cáo của bạn bất cứ khi nào quảng cáo đủ điều kiện hiển thị nhanh nhất có thể. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng, đặc biệt là với người chiến dịch mới.
Dưới đây là một vài mẹo hữu ích để bạn nắm được thế nào là giá thầu thấp, và thế nào là giá thầu cao.
2.1. Đặt giá thầu thấp cho những từ khóa dài
Có thể bạn chưa biết, những từ khóa dài thường có tỉ lệ chuyển đổi cao hơn, và tỉ lệ cạnh tranh thấp hơn. Chính vì thế, bạn không nhất thiết phải đặt giá thầu cao cho những từ khóa kiểu như thế do ít đối thủ cạnh tranh. Đấy! thấy chưa, bạn hoàn toàn có thể đạt được tỉ lệ chuyển đổi mong muốn với ngân sách hợp lý. Quan trọng là biết chọn giá thầu khôn ngoan.
2.2. Đặt giá thầu cao cho từ khóa có chuyển đổi tốt
Đó là những từ khóa sẽ có chuyển đổi tốt nếu bạn dám chi tiền hạ gục đối thủ cạnh tranh. Giá thầu đủ cao sẽ giúp những từ khóa cụ thể, mười mươi như thế này hiển thị nhiều hơn, cải thiện ROI ngay lập tức.
2.3. Sản phẩm mùa vụ nên đẩy giá thầu cao
Bạn cần lên chiến lược giá thầu theo mùa, cho những dòng sản phẩm: đồ trang trí theo các dịp lễ tết; thiết bị, đồ dùng “back-to-schook” như sách, vở, đồng phục,… khi nguồn cầu lớn, giá thầu nên đặt cao hơn một chút, hạ gục đối thủ. Một số sản phẩm theo mùa, vẫn được bán quanh năm, bạn nên hạ bớt giá thầu cho những mùa thấp điểm.
2.4. Hiệu suất giá thầu
Đôi khi cũng nên đẩy giá thầu lên cao một chút. Để xem sản phẩm có được hiển thị nhiều hơn, thông qua các truy vấn tìm kiếm khác nhau và quan trọng là bạn có bán được nhiều hơn không. Nếu sản phẩm được nhiều nhấp chuột nhưng không bán được hàng thì làm thế nào? Hãy giảm giá thầu ngay, vì nó chỉ đang giúp bạn cạnh tranh hiển thị, nhưng không phải thứ mà người mua hướng đến. Hoặc kiểm tra lại trang đích xem có cần tối ưu lại nội dung, giá sản phẩm đang để quá cao, hoặc đối thủ của bạn cũng đang chạy quảng cáo.
Khi chạy quảng cáo Google Shopping, bạn cần xem xét các báo cáo ít nhất mỗi tháng 1 lần. Trong Google AdWords, vào Chiến dịch > Thứ nguyên, sau đó vào phần Chế độ xem > Mua sắm > ID mặt hàng. Tại đây bạn có thể đánh giá hiệu quả của các sản phẩm đang chạy quảng cáo Google Shopping.
3. Khi nào nên điều chỉnh giá thầu
Dưới đây là 1 số loại sản phẩm mà bạn nên xem xét điều chỉnh giá thầu để tối ưu hóa chi phí và nâng cao hiệu quả quảng cáo:
3.1. Sản phẩm có lượt hiển thị ít
Sản phẩm có lượt hiển thị ít có thể do bạn đặt giá thầu quá thấp hoặc nguồn cấp dữ liệu chưa cung cấp đủ thông tin để Google hiển thị sản phẩm của bạn.
Để giải quyết vấn đề này, trước tiên bạn nên tăng giá thầu lên, nếu như vẫn chưa thấy lượt hiển thị được cải thiện thì cần xem lại nguồn cấp dữ liệu xem đã đầy đủ thông tin và được tối ưu hóa cho quảng cáo Google Shopping hay chưa.
Đọc thêm: Tối ưu hóa nguồn cấp dữ liệu: Chìa khóa giúp quảng cáo Google hiệu quả
3.2. Sản phẩm có lượt hiển thị cao nhưng tỷ lệ nhấp chuột thấp
Trường hợp này là Google tìm được sản phẩm của bạn phù hợp với truy vấn tìm kiếm và hiển thị cho người dùng, thế nhưng họ lại không click vào quảng cáo của bạn. Nguyên nhân chính của tình trạng này phần lớn là do giá bán sản phẩm của bạn cao hơn các đối thủ. Ngoài ra, một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng này là hình ảnh quảng cáo kém hấp dẫn hoặc hiển thị không tối ưu trên danh sách quảng cáo.
Để xác định được các sản phẩm này, vào tab Thứ nguyên > Chế độ xem > Mua sắm > ID mặt hàng. Sau đó nhấp chuột vào cột hiển thị để sắp xếp các sản phẩm theo thứ tự hiển thị từ cao đến thấp. Lọc ra các sản phẩm có CTR dưới 1% và đây là các sản phẩm bạn cần xem xét. Google AdWords cung cấp công cụ Chẩn đoán và xem trước quảng cáo giúp bạn xem sản phẩm của mình hiển thị như thế nào, đặt cạnh các mẫu quảng cáo của đối thủ ra sao. Từ đó bạn có thể tìm ra nguyên nhân và các cách khắc phục phù hợp.
3.3. Sản phẩm có lượt click cao nhưng không có chuyển đổi
Sản phẩm có lượt click cao tức là quảng cáo của bạn đủ hấp dẫn người dùng click vào nhưng khi được điều hướng đến trang đich thì họ lại không mua hàng. Vấn đề này có nguyên nhân chủ yếu là do trang sản phẩm.
Bạn có thể click vào quảng cáo của đối thủ xem họ tối ưu trang đích như thế nào dựa trên những tiêu chí cơ bản về cách tối ưu chuyển đổi:
- Họ có cung cấp chính sách giao hàng miễn phí không?
- Họ có nút thêm sản phẩm vào giỏ hàng không?
- Họ có chính sách bảo hành/đổi trả không?
- Sản phẩm đó có được đánh giá cao hoặc nhận được nhiều lượt đánh giá hơn bạn không?
- Ảnh sản phẩm của họ có đẹp và rõ ràng hơn của bạn không?
- Họ có chương trình giảm giá hoặc ưu đãi đặc biệt nào mà bạn không có không?
Nếu như bạn cảm thấy đối thủ có ưu thế hơn thì ngoài việc cạnh tranh trực tiếp bằng cách cung cấp đến khách hàng các chính sách mua hàng hấp dẫn hơn thì còn 1 cách khác là đánh vào thị trường ngách bằng cách giảm giá thầu để quảng cáo hiển thị cho những từ khóa tìm kiếm dài hơn và có tỷ lệ chuyển đổi cao hơn.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên kiểm tra lại nguồn cấp dữ liệu của sản phẩm đó xem tiêu đề hay mô tả sản phẩm có chứa các thông tin hoặc từ khóa dễ gây hiểu nhầm khiến quảng cáo của bạn hiển thị cho những truy vấn không phù hợp. Trong trường hợp này, bạn cũng có thể thêm từ khóa phủ định để quảng cáo không hiển thị cho những truy vấn không liên quan.
Đọc thêm: 8 cách tối ưu hóa chiến dịch quảng cáo Google Shopping
Bên cạnh việc tối ưu hóa theo các sản phẩm, bạn có thể dựa vào các báo cáo trong Google AdWords để đánh giá hiệu quả của quảng cáo và tối ưu giá thầu nếu cần thiết.
4. Tối ưu giá thầu dựa trên các báo cáo
4.1. Báo cáo truy vấn tìm kiếm
Báo cáo này sẽ cho biết các truy vấn thực thế mà người dùng tìm kiếm trên Google có hiển thị quảng cáo của bạn. Bạn có thể xem báo cáo này cả trên Google Analytics và Google AdWords.
Trong Google Analaytics, bạn nhấp vào tab Chuyển đổi > AdWords > Truy vấn tìm kiếm.
Tại đây, bạn có thể lựa chọn phạm vi ngày xem báo cáo, sắp xếp các kết quả theo số lượt hiển thị, lượt click hay chuyển đổi. Ngoài ra, nếu bạn đang chạy song song 2 chiến dịch quảng cáo Google AdWords và Google Shopping, click vào Thứ nguyên phụ và lựa chọn chiến dịch bạn muốn xem báo cáo.
Sau khi thiết lập thứ nguyên phụ, bạn nên tạo bộ lọc và chỉ xem xét chiến dịch Google Shopping. Sau đó nhấp vào chữ Nâng cao bên phải thanh tìm kiếm.
Tại đây, bạn chọn Bao gồm > Chiến dịch > Chứa > nhập tên chiến dịch, cuối cùng nhấn nút Áp dụng, các dữ liệu về truy vấn tìm kiếm của chiến dịch sẽ được hiển thị.
Bạn nên lọc kết quả trong 2-3 tháng để theo dõi hiệu quả của sản phẩm, đồng thời kiểm tra kết quả trong 1 vài tuần gần đây để xem xu hướng. Bạn có thể tìm ra các truy vấn tiếp cận dưới 100 và không có chuyển đổi hoặc mang về doanh thu thấp không đủ bù cho chi phí. Dựa vào những dữ liệu này, bạn có thể quyết định cần thêm từ khóa phủ định, tối ưu lại nguồn cấp hoặc giảm giá thầu cho các sản phẩm đó.
4.2. Báo cáo hiệu suất sản phẩm
Báo cáo này sẽ cho thấy những sản phẩm nào đang bán được từ nguồn quảng cáo Google Shopping. Báo cáo có thể xem trong Google AdWords bằng cách vào tab Thứ nguyên, tại đây bạn có thể thấy tỷ lệ chuyển đổi theo từng mặt hàng. Ngoài ra, báo cáo trên Google Analytics sẽ cung cấp thêm một số thông tin khác.
Trong Google Analytics, bạn click vào Chuyển đổi > Thương mại điện tử > Hiệu suất sản phẩm.
Sau đó, áp dụng bộ lọc chỉ hiển thị các sản phẩm của chiến dịch quảng cáo Google Shopping. Trước tiên thêm Thứ nguyên phụ của quảng cáo > Chiến dịch.
Tiếp tục nhấp vào link Nâng cao bên phải thanh tìm kiếm.
Sau đó lọc Bao gồm > Chiến dịch > Chứa > nhập tên chiến dịch, cuối cùng ấn nút Áp dụng.
Đọc tiếp: Tiện ích mở rộng trong quảng cáo Google shopping bạn nên sử dụng