8 phong cách nhà quản lý phổ biến

Quản lý, trong suy nghĩ của nhiều người đó là một nghề nhàn hạ, chỉ cần ngồi một chỗ rồi chỉ tay năm ngón sẽ có người tận lực làm thay cho mình. Nếu chỉ đơn giản như thế thì tại sao để lên chức nhà quản lý lại khó đến vậy? Tại sao tỷ lệ phần trăm nhà quản lý thất bại trong sự nghiệp luôn duy trì 2 con số? Trở thành nhà quản lý bạn không phải chỉ bao quát toàn bộ công việc của tổ chức mà còn cần nắm rõ khả năng nhân lực để sắp xếp vị trí làm việc hợp lý. Tuỳ vào mỗi người, mỗi doanh nghiệp mà có một cách quản lý khác nhau. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu 8 phong cách nhà quản lý phổ biến hiện nay.

1. Phong cách nhà quản lý dẫn dắt

nha-quan-ly2

Đây là phong cách điển hình cho những người đầy tham vọng, họ vạch ra mục tiêu rõ ràng và dùng mọi cách để cố gắng đạt được mục tiêu đó. Các nhà quản lý này dường như luôn đầy năng lượng, họ quyết đoán, thiếu kiên nhẫn và luôn hướng về phía trước. Những đội nhóm dưới sự dẫn dắt của họ có khả năng phát triển rất nhanh, công việc luôn hoàn thành tốt, thậm chí là xuất sắc vì họ thường khá khó tính, khắt khe với nhân viên, yêu cầu lại rất cao. Được làm việc cùng nhà quản lý như thế bạn sẽ thấy cả thế giới dường như đang quay cuồng xung quanh họ và công việc, bạn gần như chẳng có thời gian mà nghĩ đến điều khác.

Với quan niệm coi mình là người dẫn dắt tập thể, nhà quản lý heo hình mẫu này luôn đề cao tinh thần trách nhiệm cá nhân, họ dám làm, dám chịu. Nhưng bù lại, họ có tham vọng với quyền lực, độc đoán và muốn mọi thứ đều theo sự sắp xếp của họ. Sẽ thật tốt nếu bạn được làm việc với người dẫn dắt có tầm nhìn chiến lược giỏi, nhưng sẽ rất tệ nếu họ gặp phải sai lầm mà không biết, vì họ cố chấp, ít lắng nghe quan điểm đóng góp của người khác.

Chỉ cần những nhà quản lý này kiên nhẫn hơn, biết lắng nghe hơn, biết quan tâm đến nhân viên hơn thì họ chắc chắn là mẫu người hoàn hảo.

2. Phong cách nhà quản lý phát động

Nếu người quản lý theo phong cách dẫn dắt luôn bất chấp để hướng tới mục tiêu đã đề ra, thì những người quản lý phát động lại để ý nhiều hơn đến quan điểm và sự chấp nhận của nhân viên. Trước mọi vấn đề mang tính quyết định họ luôn cân nhắc xem ý kiến của mọi người thế nào để tổng hoà chúng, đem đến cảm giác hài hoà, đồng lòng. Làm việc với họ bạn sẽ cảm thấy mình được tôn trọng, là một thành viên có vai trò nhất định trong tập thể, cảm thấy công việc luôn sôi động với những sáng kiến của nhà quản lý.

Tuy nhiên, những người này thường lạc quan quá mức, sự năng động và nhiệt tình của họ đôi khi lại trở thành vô ý, bốc đồng trong mắt người khác. Họ giỏi giao tiếp và muốn mọi người chấp nhận khả năng của mình. Những nhà quản lý này luôn hứng thú với các thách thức và cơ hội, họ sẽ khiến bạn luôn cảm thấy tràn đầy tinh lực, luôn sẵn sàng để thực hiện một chiến dịch mới nào đó.

nha-quan-ly1

3. Phong cách nhà quản lý khởi xướng

So với những nhà quản lý theo phong cách phát động thì người theo xu hướng khởi xướng lại có khả năng giao tiếp tốt hơn nhiều. Mặc dù là quản lý nhưng họ không coi thường người khác, ngược lại còn tiếp xúc rất nhiều với nhân viên, dùng các mối quan hệ trong tập thể để tạo nên sức mạnh của mình. Chính nhờ khả năng này mà các nhà quản lý có thể thúc đẩy và tạo ra sự hăng say trong công việc cho người khác, họ dễ dàng tạo nên phòng trào tại công ty. Khi làm việc với họ bạn sẽ cảm thấy gần gũi, hầu như khoảng cách cấp trên – cấp dưới không còn nữa.

4. Phong cách nhà quản lý khuyến khích

Nếu nhà quản lý khởi xướng là “ông trùm” quan hệ thì nhà quản lý theo phong cách khuyến khích lại là kẻ dẫn dắt lòng người giỏi nhất. Họ có hai phẩm chất đặc biệt, một là ăn nói khéo léo và hai nhạy cảm trong việc nắm bắt tâm trạng của người khác, họ dùng chúng như hai công cụ chủ yếu để thu phục lòng người. Khi làm việc với họ bạn sẽ ít khi cảm thấy chán nản, vì họ luôn ở bên động viên, cổ vũ bạn.

Nhưng dĩ nhiên cuộc sống và đặc biệt là trong kinh doanh chẳng có gì là màu hồng cả, nếu cứ suốt ngày nghe những lời khuyến khích sáo rỗng đó rất có thể bạn sẽ đi lầm đường do không nhận thấy sai lầm của mình. Những nhà quản lý kiểu này thường không thích môi trường quá biến động, họ đưa đội nhóm vào vùng an toàn, mặc dù chắc chắn nhanh lại bị đánh đổi bằng tốc độ phát triển chậm. Và mặc dù họ luôn đưa ra ý kiến, lời khuyên giúp mọi người giải quyết vấn đề nhưng chính họ lại thường gặp bế tăng với vấn đề của mình, mỗi khi thất bại họ thường mất rất lâu thời gian để tự vực mình dậy.

5. Phong cách nhà quản lý ủng hộ

nhà quản lý

Gần tương tự như những nhà quản lý theo phong cách khuyến khích, người quản lý ủng hộ sẽ dùng hành động thiết thực để giúp đỡ nhân viên hơn là chỉ nói suông. Họ là người kiên nhẫn, biết suy xét thấu triệt mọi vấn đề nên luôn là nơi để nhân viên tin tưởng nhờ vả. Những nhà quản lý này đóng vai trò điểm tựa hơn là dẫn đầu, họ luôn đứng đằng sau để điều hướng mọi người tới đích, trong tầm nhìn của họ có cả mục đích và cả bóng lưng của nhân viên.

Thế nhưng người chọn phong cách quản lý này thường thiếu chủ động, họ tốn quá nhiều thời gian để giải quyết vấn đề của người hơn là tập trung vào nhiệm vụ chính của mình. Họ thích nghi với thay đổi khá chậm, điều này ảnh hưởng nhiều khi tập thể đang trong cuộc đua kinh doanh. Cách quản lý ủng hộ của họ còn vô tình khiến nhân viên ỷ lại, thiếu sáng tạo, mức ỳ lớn.

6. Phong cách nhà quản lý cộng tác

Những nhà quản lý theo phong cách cộng tác là người luôn cẩn thận, họ chỉ hành động khi đã có đầy đủ các công cụ và chi tiết của sự việc. Trong mối quan hệ với nhân viên bạn sẽ cảm thấy họ như một đối tác hơn là một vị sếp, họ khá dè dặt trong mối quan hệ lạ, không tin tưởng ngay và cũng không hề áp đặt suy nghĩ của mình vào người khác. Ở họ bạn học được sự độc lập, đức tính chăm chỉ, kiên nhẫn và khéo léo. Trong công việc họ luôn đề cao tinh thần sáng tạo và muốn phát triển khả năng của từng người, họ đưa mọi người vào hệ thống mà mình đã phác thảo ra rồi tuỳ bạn vận hành, miễn sao đem đến kết quả.

Với phong cách quản lý này bạn sẽ cảm thấy “dễ thở” hơn, nhưng bạn phải tự tạo động lực cho mình, đừng chờ đợi sếp tác động, khuyến khích mình. Thứ mà họ cần ở bạn là năng suất và kết quả chứ không hẳn là quá trình.

nha-quan-ly3

7. Phong cách nhà quản lý đánh giá

Đây chính xác là phong cách quản lý dựa vào kết quả, tất cả mọi thứ đều liên quan đến kết quả. Nhà quản lý kiểu này sẽ nhìn vào những gì bạn làm được để đánh giá, khen thưởng hoặc phê bình, họ sắp xếp, quản lý công việc của nhân viên cũng từ những gì nhân viên đạt được trong quá khứ. Họ có tầm nhìn rộng và khách quan, luôn đánh giá trên nhiều khía cách khác nhau sau khi đã tổng hợp đầy đủ thông tin. Khi làm việc với họ bạn không cần phải lo mình sẽ bỏ sót điều gì, ngược lại bạn nên cố gắng hơn để đáp ứng được yêu cầu toàn diện của họ.

8. Phong cách nhà quản lý tổ chức

Những nhà quản lý kiểu này sẽ kiểm soát nhân viên theo mô hình phân cấp, họ chỉ làm việc trực tiếp với quản lý từng bộ phận mà thôi. Việc chia nhóm nhỏ này sẽ khiến họ đỡ tốn thời gian hơn, nhất là trong tổ chức có quá nhiều người, nhưng bù lại dễ gặp các vấn đề tiêu cực nếu những nhà quản lý bộ phận không làm đúng chức trách của mình.

Các nhà quản lý tổ chức thường có tầm nhìn chiến lược tốt, họ có thể bao quát được mọi hoạt động trong tập thể, kế hoạch họ đề ra cũng khả thi hơn, dĩ nhiên là với điều kiện cấp dưới báo cáo chính xác và đầy đủ.

Như vậy là chúng ta đã cùng tìm hiểu 8 phong cách nhà quản lý khác nhau, tuỳ vào tính cách, kiến thức và điều kiện doanh nghiệp bạn có thể lựa chọn phong cách phù hợp với mình.