Với các doanh nghiệp tại Việt Nam, việc thuê các thành viên trong gia đình vào làm việc không phải là câu chuyện mới lạ. Tuy nhiên điều này có thực sự tốt đối với doanh nghiệp, bản thân bạn và chính người được tiến cử?
Muốn biết hàng còn hay hết. Muốn biết hàng nào bán chạy bán chậm. Biết ngay doanh thu lãi lỗ theo ngày. Dùng ngay phần mềm quản lý bán hàng Sapo và bắt đầu thôi nào!
Cân nhắc người thân làm việc trong công ty – Nên hay không?
Khi bắt đầu xây dựng một doanh nghiệp và cần sự giúp đỡ, mọi người thường nhờ đến sự trợ giúp của gia đình, bạn bè – bởi đó là cách đơn giản nhất không tốn công sức, chi phí, thời gian tìm kiếm nhân lực và khi hai người quan biết nhau sẽ giúp mọi thứ trôi chảy hơn.
Tuy nhiên, chiến lược này không phải lúc nào cũng đem lại những kết quả như mong muốn, thậm chí còn gây ra cho bạn nhiều thiệt hại không ngờ tới. Vậy nên hay không việc tuyển người thân ồ ạt vào trong công ty?
Câu hỏi này khiến nhiều người nhất. Thử trả lời những câu hỏi sau đây trước khi bạn quyết định ký hợp đồng làm việc với một người mà mình quen biết trước.
1. Họ có thực sự coi bạn là Sếp?
Bạn có thoải mái khi có một mối quan hệ “cấp trên – cấp dưới” trong văn phòng và một mối quan hệ ngang hàng khi ở ngoài công ty? Với văn hóa của người phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, cấp bậc trong gia đình, dòng họ luôn có “sức nặng” nhất định.
Rất ít người chấp nhận việc một người là “cháu” lại được phép nhắc nhở hay trách mình – đó là điều gần như tối kị. Tuy nhiên trong môi trường doanh nghiệp, Sếp là người có quyền lực cao nhất bất chấp tuổi tác và dù thế nào mọi điều lãnh đạo nói ra đều là mệnh lệnh. Nhưng nếu cấp dưới lại là anh, chú hay bác, bạn có đủ “uy” để khiến họ coi mình là Sếp? Mọi điều nhắc nhở sẽ không bị bỏ qua?
2. Bạn có bị cảm xúc chi phối
“Bởi vì chúng tôi là bạn bè, gia đình – anh ấy đương nhiên cho rằng mình có thể đến lúc nào thì đến, về lúc nào thì về và tùy tiện làm những điều mà các nhân viên khác không bao giờ làm”.
Đó là chia sẻ của ông chủ Jason Raftis khi chia sẻ về việc bản thân từng thuê bạn bè, gia đình làm việc trong công ty. Với mối quan hệ hơn mức bình thường, những người thân mà bạn tuyển thường tự cho mình cái quyền hơn người khác bởi họ biết bạn chẳng ai dám ý kiến gì?
Đi muộn về sớm, thường xuyên ăn đồ vặt, buôn dưa lê nói xấu người khác, không làm tốt công việc được giao… Với những lỗi đó, bạn có sẵn sàng nhắc nhở thậm chí đuổi việc họ?
3. Bạn có quan tâm đến hình ảnh của mình trong mắt nhân viên?
Tự mình dấn thân để ngày càng trưởng thành hơn, cũng giống như việc tự mình trải nghiệm leo núi
Đối với nhân viên trong công ty, bạn là một lãnh đạo công bằng, biết quan tâm đến mọi người xung quanh, đánh giá dựa trên thực lực và hiệu quả công việc. Nhưng tất cả mọi thứ sẽ thay đổi 180 độ khi bạn tuyển người thân vào làm việc trong công ty và có những ưu ái quá mức cần thiết bởi như đã nói tình cảm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mọi quyết định.
Và kể cả khi bạn cố gắng tỏ ra công bằng thì chắc chắn nhân viên khác vẫn sẽ nghi ngờ, bàn tán, cho rằng Sếp thiên vị – đó là suy nghĩ thường thấy ở tất cả mọi người. Bạn có thể giải quyết được vấn đề này?
4. Bạn có thật sự tin tưởng họ?
Đôi khi bạn không muốn tuyển em út, họ hàng vào trong công ty bởi đơn giản người đó năng lực quá kém, có rất nhiều sự lựa chọn tuyệt vời hơn. Nhưng sức ép từ mối quan hệ gia đình, họ hàng, những lời nói của cô-dì-chú-bác “Làm to thế mà không giúp gì được cho em mày à?” khiến bạn phải chùn bước.
Nhưng nếu nhận vào công ty thì người đó có đáp ứng được với yêu cầu công việc, bạn có thực sự tin tưởng họ hoàn thành tốt mọi thứ đề ra. Ngoài ra bạn không thể theo sát người đó mọi lúc mọi nơi nên nếu họ không làm tốt chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp, tiến độ công việc bị đình trệ.
5. Đó có phải là sự lựa chọn tốt nhất cho người bạn giúp đỡ?
Để đạt được thành tựu như ngày hôm nay chắc chắn bạn đã phải tốn rất nhiều thời gian, công sức để học hỏi mọi thứ xung quanh, thậm chí phải hy sinh cả tuổi trẻ của mình. Thử áp dụng vào chính người bạn đề bạt, cân nhắc vào công ty – đó có phải là con đường tốt nhất.
Vừa ra trường “chân ướt chân ráo” thiếu kinh nghiệm đã nhận được vào một công ty lớn sẽ dễ hình thành tư tưởng ỷ lại, thậm chí kìm hãm sự phát triển. Tự bản thân trưởng thành từ những va vấp xã hội mới có thể giúp chúng ta ứng phó được trước những rắc rối trong môi trường làm việc đầy thử thách.
Tất cả những câu hỏi này bạn nên tự hỏi mình trước khi cam kết tuyển người thân, bạn bè vào làm việc cho công ty mà không thông qua vòng phỏng vấn, tuyển dụng? Dù ở tư cách người Sếp hay nhân viên, việc kết hợp tình bạn, tình yêu, tình thân và công việc có rất nhiều rủi ro tiềm ẩn. Tất nhiên cái gì cũng có 2 mặt của nó nhưng trước khi tuyển một người bạn, người thân hãy cân nhắc lợi hại.