Công nghệ dần trở thành công cụ để khách hàng thực hiện việc mua sắm khiến các nhà bán lẻ truyền thống cũng phải thay đổi cho phù hợp và không bị rớt lại trong cuộc chiến cạnh tranh khốc liệt. Không chỉ vậy, mọi ngành cũng đều phải thay đổi theo như ngành quảng cáo thì phải thiết kế các hình thức mới, tiếp thị thì hướng đến đối tượng đa dạng khác hơn…
1. Bức tranh ngành bán lẻ không còn như trước
Với sự chủ động của mình, người tiêu dùng thời nay đã đặt câu hỏi: Tại sao tôi phải đến cửa hàng của các anh? Tại sao các anh không mang cửa hàng và dịch vụ mua sắm đến cho chúng tôi?
Điều này đã khiến Tesco – chuỗi cửa hàng bán lẻ lớn trên thế giới – cũng phải thử nghiệm ứng dụng của Apple, cho phép người mua hàng chỉ cần ghé qua siêu thị, download sản phẩm vào giỏ mua hàng ảo, sau đó nhấn nút “quyết định mua” để giỏ hàng ảo này sẽ được nhân viên Tesco “nhặt đủ” hàng theo yêu cầu chuyển ngay cho khách. Thậm chí, các nhân viên công sở bận rộn còn hẹn được cả giờ mình có mặt ở nhà để Tesco cử nhân viên đến giao hàng.
Những “ki ốt” bán hàng kiểu như trên của Tesco có thể xuất hiện ở khắp nơi, trong ga tầu điện ngầm, các tòa nhà văn phòng lớn hoặc bến chờ xe buýt… ở các thành phố đông đúc như Tokyo, London…
Khách hàng thậm chí chỉ cần nhấn mã vạch của sản phẩm trong quá trình di chuyển đến công sở, sau đó, họ có thể ghé vào cửa hàng gần nhất trong chuỗi bán lẻ, tiện đường về nhà để lấy đồ đã đặt ban sang. Phương thức mua hàng này đã làm thay đổi cách mua sắm tại các đô thị hiện đại trên thế giới trong 3 năm vừa qua.
2. Công nghệ được áp dụng trong từng chi tiết
Ngoài hình thức bán hàng tiện dụng nêu trên, các tập đoàn bán lẻ lớn như Walmart, Topshop còn sử dụng các mã vạch cho sản phẩm kết nối với điện thoại di động, dẫn thẳng người xem đến website giao dịch trực tuyến và cung cấp chi tiết thông tin của sản phẩm. Vì thế, kể cả khi cửa hàng đã đóng cửa thì chỉ cần lướt qua windows bày hàng bên ngoài, khách hàng vẫn có thể đặt mua những sản phẩm mình vừa nhìn thấy quá mạng, biến windows trở thành không gian bán hàng 24/7. Và thật đáng ngạc nhiên, chỉ trong vòng 3 tháng kể từ ngày công bố hình thức bán hàng dạng này, 475 nhà bán lẻ đã đăng ký sử dụng cách bán hàng này.
Trong khi đó, để tạo mọi điều kiện cho khách hàng hiểu về sản phẩm, nhà bán lẻ C&A của Brazil đã sử dụng mắc áo thông minh, có màn hình hiển thị thống kê cập nhật số lượt “like” trên facebook đối với sản phẩm thời trang đang treo trên mắc. Điều này giúp người mua hàng có quyết định phù hợp khi chọn sản phẩm có sự tham khảo ý kiến số đông tốt hơn, họ có thể không muốn “đụng hàng” khi thấy sản phẩm đã có nhiều người thích, hoặc cũng có thể hòa theo gu thẩm mỹ của số đông…
Ngoài ra, ứng dụng công nghệ cũng đang cho phép khách hàng đứng trước một tấm gương tương tác, họ không cần thay đồ mà chỉ bấm vào những bộ trang phục đã chọn, chiếc gương sẽ trả lại hình ảnh của khách hàng trong bộ đồ đó nhằm giúp khách hàng không phải thay ra mặc vào quần áo đã có thể quyết định bộ nào hợp với mình.
Hiện các nhà bán lẻ như Walmart, Macy’s Lord & Taylor, Tesco còn ứng dụng công nghệ iBeacon là một máy phát tín hiệu trong khoảng 5m, khi người đi đường đã trong “tầm ngắm”, các thong tin khuyến mãi của cửa hàng hay sản phẩm sẽ tự động gửi vào điện thoại của khách hàng nhằm giúp họ biết các chiến dịch giảm giá, tặng quà… Tuy nhiên, việc này đang bị cho là giống như con dao hai lưỡi vì nếu chưa được sự cho phép của khách hàng, các tin nhắn này có thể trở thành tin rác khiến nhiều người khó chịu, tẩy chay sản phẩm và cửa hàng.
Bên cạnh các ứng dụng công nghệ, các cửa hàng pop – up tiện dụng cũng đã ra đời.Trong thời buổi công nghệ này, việc đầu tư xây dựng một cửa hàng kiên cố trở nên quá tốn kém và mất nhiều thời gian xây dựng, vì thế, những cửa hàng “pop up” mì ăn liền đang trở thành lựa chọn hữu hiệu. Nhà bán lẻ có thể dựng những gian hàng bằng các vật liệu đơn giản, gọn nhẹ như lều bơm hơi hoặc lều bạt… tại những vị trí được phép bán hàng ngắn hạn 6 tháng, sau đó họ có thể dời đi chỗ khác. Phương thức bán hàng này vừa linh hoạt, không quá tốn chi phí đầu tư ban đầu, lại “quét” được một lượng khách không nhỏ.Khi nhu cầu bão hòa, họ lại chuyển địa điểm khác.
Dù ứng dụng dưới hình thức nào thì các nhà bán lẻ cũng cho thấy mình đang phải hết sức linh hoạt đổi mới theo xu hướng thay đổi của người tiêu dùng. Tuy nhiên, sự chú trọng vào công nghệ đang mở ra những chân trời mới cho các nhà bán lẻ, ai nắm bắt được sẽ nắm được thị trường, còn không đổi mới, đồng nghĩa là… chết.
3. Kinh doanh bán lẻ truyền thống biết phải làm sao?
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, thị trường Việt Nam vẫn may mắn chưa đạt đến ngưỡng thay đổi chóng mặt như trên thế giới. Dù vẫn còn cơ hội tiếp tục mở rộng siêu thị truyền thống và các trung tâm thương mại kiểu cũ, nhưng nếu không nghĩ đến mua sắm trực tuyến ngay bây giờ và để cho 3-5 năm tới thì có lẽ đã quá muộn.
Tuy nhiên, vẫn không thể bỏ được những cửa hàng kinh doanh truyền thống mà thay vào đó, cải cách, thay đổi nó sao cho bắt mắt, gây ấn tượng với khách hàng, nhằm lưu dấu ấn về thương hiệu và cung cấp dịch vụ hoàn hảo cho người mua hàng. Song song với đó, họ đầu tư mạnh vào mảng công nghệ để phát triển bán lẻ trực tuyến.
Các nhà bán lẻ truyền thống vẫn cần giữ chân các khách hàng cũ, thế hệ ít bị ảnh hưởng của smartphone, đồng thời, tận dụng lợi thế của việc bán hàng trực tiếp để linh động đổi hàng, giảm giá ngay lập tức chứ không “cứng nhắc” như kinh doanh online và cung cấp thêm các dịch vụ khác bất cứ khi nào khách hàng cần như giao hàng tại nhà nhằm tối ưu hóa mọi nhu cầu của khách. Việc tương tác trực tiếp với khách vẫn có những lợi thế nhất định nên các nhà bán lẻ đã tận dụng triệt để là nền tảng vững chắc cho việc phát triển bán lẻ truyền thống.
Công nghệ phát triển, người tiêu dùng thay đổi xu hướng mua hàng và từ đó dần dần chuyển thành thói quen. Điều đáng nói ở đây là sự thay đổi đó có tác động trực tiếp và ảnh hưởng đến lượng khách hàng của các cửa hàng kinh doanh bán lẻ truyền thống. Do vậy, muốn thành công cần phải thay đổi nhanh chóng để thích ứng với xu thế của thị trường thế giới.