Xây dựng 1 bộ nhận diện thương hiệu sáng tạo, ấn tượng nhưng vẫn mang đầy đủ bản sắc của doanh nghiệp là điều mà bất kỳ marketer nào cũng mong muốn. Điều này làm cho thương hiệu của doanh nghiệp có 1 chỗ đứng nhất định trong tâm trí người dùng cũng như tạo nên lợi thế khác biệt so với đối thủ. Vậy bộ nhận diện thương hiệu là gì? Trong bài biết này, Sapo Blog sẽ đưa ra những định nghĩa, phân tích và cung cấp thêm những thông tin xoay quanh chủ đề về bộ nhận diện thương hiệu nhé.
Bộ nhận diện thương hiệu là gì?
Trước khi đến với khái niệm của bộ nhận diện thương hiệu, chúng ta cần phải tìm hiểu xem “thương hiệu là gì”. Chúng ta vẫn thường nhắc đến 2 từ thương hiệu cùng với những sản phẩm cố định. Nó có thể là sản phẩm hữu hay sản phẩm vô hình. “Anh thường mua quần áo của thương hiệu nào”, “Chị dùng thương hiệu son gì mà màu xinh thế”, đúng vậy đó, thương hiệu từ lâu đã trở thành 1 phần tất yếu của cuộc sống hiện đại. Nó hiển diện và phát triển cùng với cuộc sống của con người. Từ những thứ lớn lao đến những thứ nhỏ nhất. Dù ở đâu, chúng ta vẫn sẽ bắt gặp bóng dáng của 2 từ “thương hiệu”.
Thương hiệu gắn liền với sản phẩm để thỏa mãn nhu cầu của con người. Khi tìm kiếm cụm từ “mua điện thoại iphone” trên công cụ tìm kiếm Google, người tiêu dùng sẽ được trả về 26.500.000 kết quả trong 0,52 giây. Tuy nhiên, khi thị trường có quả nhiều sản phẩm có cùng mức giá, cùng công dụng thì “thương hiệu” chính là điểm khác biệt lớn nhất để người tiêu dùng quyết định sử dụng lựa chọn sản phẩm của doanh nghiệp.
Vì vậy, để thiết lập 1 kế hoạch marketing dài hạn và bền vững, các doanh nghiệp không còn chỉ chăm chăm đẩy mạnh, đẩy nhanh về doanh thu, doanh số nữa mà mục tiêu này cần phải phát triển song song với mục tiêu phát triển thương hiệu.
Xem thêm: Tái định vị thương hiệu là gì? Tại sao cần tái định vị thương hiệu?
Chốt lại, thương hiệu là sự cảm nhận, nhận biết về giá trị của sản phẩm, hoặc dịch vụ mà doanh nghiệp mang đến. Thương hiệu mạnh là 1 thương hiệu được Khách hàng ghi nhớ và hình thành mối liên kết với thương hiệu từ những cảm nhận, nhận biết ấy.
Nếu thương hiệu là sự cảm nhận là những giá trị hữu hình thì bộ nhận diện thương hiệu chính là các yếu tố hữu hình và gia tăng khả năng kích thích các giác quan của khách hàng.
Bộ nhận diện thương hiệu bao gồm những thứ chúng ta có thể nhìn thấy, nghe thấy, cầm nắm hay chạm vào được, bao gồm:
- Tên thương hiệu
- Logo thương hiệu
- Tagline/Slogan thương hiệu
- Màu sắc, kiểu chữ thương hiệu
- Bộ nhận diện thương hiệu ứng dụng văn phòng: brochure, sổ tay, chữ ký email,…
- Bộ nhận diện thương hiệu online: Website, mạng xã hội,…
- Bộ nhận diện thương hiệu ngoài trời: billboard, banner,…
- Các ấn phẩm quảng cáo khác
Tùy vào quy mô của doanh nghiệp mà người làm marketing sẽ cân đối cũng như chú trọng phát triển trên những khía cạnh nào. Khi đó, các yếu tố này sẽ kết hợp với nhau để tạo nên sự phân biệt rõ ràng giữa thương hiệu này với thương hiệu khác trong tâm trí của khách hàng.
Vai trò của bộ nhận diện thương hiệu
Sau khi biết được khái niệm bộ nhận diện thương hiệu là gì thì phần nào chúng ta cũng đã thấy được tầm quan trọng của bộ nhận diện thương hiệu trong sự phát triển của doanh nghiệp.
Giả sử như bạn có nhu cầu mua cafe trước khi bắt đầu làm việc buổi sáng, nếu bỏ qua rào cản về thu nhập thì bạn sẽ thích uống cốc cafe có logo đẹp mắt, packaging chỉn chu hơn là 1 cốc phê không nhãn mác rồi phải không?
Từ ví dụ trên, vai trò cụ thể của bộ nhận diện thương hiệu là gì:
- Bộ nhận diện thương hiệu được coi như là hình ảnh đại diện của doanh nghiệp tới khách hàng
- Đóng vai trò quyết định tới sự thành bại của quá trình phát triển thương hiệu. Cụ thể hơn qua việc phủ sóng hình ảnh thương hiệu rộng rãi hơn cũng như thúc đẩy việc bán hàng, đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp
- Giúp cho thương hiệu không bị bão hòa cũng như trộn lẫn trên thị trường, dễ dàng nhớ đến giúp cho thương hiệu đó chiếm ưu thế hơn trong tâm trí của họ
- Bộ nhận diện thương hiệu đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng tâm lý tin tưởng, kích thích mong muốn được sở hữu sản phẩm của khách hàng
3 yếu tố quan trọng để xây dựng 1 bộ nhận diện thương hiệu ấn tượng
Yếu tố nhận biết màu sắc và thiết kế logo
Dù không phác họa lại được hình ảnh cụ thể của một ngân hàng trong đầu nhưng người ta vẫn định hình được màu sắc đặc trưng: màu đỏ của Techcombank, màu xanh của BIDV,… Đó là yếu tố nhận biết đầu tiên, cơ bản nhất nhưng cũng tạo điểm nhấn ấn tượng nhất cho người nhìn.
Khi xây dựng màu sắc và thiết kế logo cho thương hiệu, các marketer cần biết được sản phẩm, dịch vụ mình đang kinh doanh là gì để đưa ra những đường hướng phù hợp. 1 số gợi ý từ Sapo như sau, nếu như bạn đang kinh doanh đến lĩnh vực nhà hàng, ăn uống thì màu đỏ sẽ ưu tiên số 1 để đưa vào bộ nhận diện thương hiệu. Vì nhiều người cho rằng, màu đỏ khiến cho khách hàng gia tăng khả năng kích thích vị giác, sự ngon miệng khi thưởng thức. Tương tư như màu xanh cho ngành y tế, du lịch,….
Thiết kế bao bì, tem nhãn trên sản phẩm
Mẫu thiết kế bao bì sản phẩm đẹp, độc đáo, chuyên nghiệp không những khẳng định độc quyền giá trị sản phẩm của công ty bạn mà còn là công cụ đắc lực trong việc bán hàng và đưa sản phẩm của bạn tới người tiêu dùng rộng rãi hơn.
Mỗi sản phẩm được bán ra ngoài thị trường đều phải có một nét đặc trưng riêng của từng công ty, vừa là phương tiện tránh hàng giả, hàng nhái, vừa là cơ sở pháp lý khẳng định bản quyền sản phẩm. Đó là tem nhãn.
Nội dung hình ảnh
Không chỉ từng bài đăng, mỗi bức ảnh doanh nghiệp đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội cũng cần phải gắn liền với phong cách của doanh nghiệp. Không những vậy, hình ảnh trên các nền tảng cần phải có tính đồng bộ mỗi khi sử dụng để tránh việc khách hàng bị hoang mang xem đây có phải cùng 1 thương hiệu hay không?
Như vậy trên đây là những chia sẻ về khái niệm tổng quan bộ nhận diện thương hiệu là gì? cũng như giải đáp được thắc mắc “Bộ nhận diện thương hiệu gồm những gì?” chi tiết nhất. Hy vọng đây sẽ là bài viết hữu ích đối với những bạn đang muốn tìm hiểu về bộ nhận diện thương hiệu.