Nhập hàng Quảng Châu đang dần trở thành xu hướng của nhiều nhà kinh doanh, đặc biệt là trong kinh doanh thời trang, phụ kiện. Tuy nhiên, không nhiều người thực sự biết cách vận chuyển hàng Quảng Châu về Việt Nam thế nào để tiết kiệm chi phí, an toàn và dễ dàng nhất. Vậy đâu là những điều cần lưu ý nhất khi vận chuyển hàng Quảng Châu về Việt Nam? Hãy cùng Sapo tìm hiểu ngay trong những chia sẻ dưới đây.
1. Quảng Châu – Nguồn hàng lý tưởng cho chủ kinh doanh
Hàng Quảng Châu luôn được biết đến với giá thành tương đối rẻ, mẫu mã đa dạng cùng lượng hàng khổng lồ, phù hợp với nhiều mô hình kinh doanh khác nhau. Với nhu cầu tiêu dùng của người dân Việt, nhập hàng Quảng Châu đã không còn là điều xa lạ với nhiều chủ kinh doanh đặc biệt là các mặt hàng thời trang, phụ kiện hay đồ gia dụng.
Nếu hàng hóa thương hiệu có thể chinh phục người dùng về chất lượng, độ nổi tiếng của thương hiệu thì các địa chỉ buôn hàng Quảng Châu được xem như thiên đường của đồ theo “Trend”. Bởi nói một cách đơn giản, bạn có thể tìm bất kỳ mẫu mã, kiểu dáng hay sản phẩm thời thượng và bắt kịp xu hướng nhất ngay tại “thiên đường mua sắm” này.
Quảng Châu – “Thiên đường” nhập hàng cho chủ kinh doanh
Được biết đến là một nguồn hàng lý tưởng nhưng chất lượng là điều mà chủ kinh doanh cần quan tâm để đảm bảo hàng hóa mua về có thể kinh doanh cũng như đảm bảo sự tin cậy của khách hàng.
Hàng Quảng Châu thường được chia thành 2 loại là hàng bình dân và hàng cao cấp. Vì vậy, ngay cả đối với các mặt hàng quen thuộc, người kinh doanh khi nhập hàng cũng cần phân biệt rõ ràng để đảm bảo nhập hàng Quảng Châu chất lượng và không để bị “dắt mũi” khi mua hàng.
- Hàng hóa bình dân: Đây là các loại hàng hóa phổ thông có mức giá vô cùng rẻ nên thường có các chương trình xả hàng, xả lỗ của xưởng. Những mặt hàng này thường có tuổi thọ khá ngắn nên dù đảm bảo khá tốt về mặt thẩm mỹ nhưng tính bền không cao. Vì vậy, nếu nhập hàng, người kinh doanh chỉ nên nhập các mặt hàng có giá thành rẻ, đồ nhựa hay các loại phụ kiện nhỏ.
- Hàng hóa cao cấp: Hàng hóa cao cấp là các mặt hàng có chất lượng tốt đến cực tốt. Những mặt hàng này thường được sản xuất tại các công ty, thương hiệu lớn của Trung Quốc với độ bền và tính thẩm mỹ không hề thua kém hàng hóa nhập khẩu nước ngoài. Tuy nhiên, đối những sản phẩm này, giá thành sẽ tương đối cao cũng như người mua ở Việt Nam cũng thường bị giới hạn về số lượng nhập.
Xem thêm: Hướng dẫn chi tiết các bước sang Quảng Châu đánh hàng
2. 3 cách vận chuyển hàng Quảng Châu nhanh và an toàn nhất
Có nhiều cách để vận chuyển hàng Quảng Châu về Việt Nam, tùy theo khả năng và nhu cầu của người kinh doanh. Vì vậy, bạn có thể cân đối chi phí cũng như lường trước những rủi ro, lợi thế của các phương pháp vận chuyển để đưa ra sự lựa chọn phù hợp nhất.
2.1 Vận chuyển bằng đường hàng không
Vận chuyển hàng Quảng Châu về Việt Nam bằng đường hàng không giúp chủ kinh doanh có thể đảm bảo được thời gian nhận hàng, tính an toàn cũng như không gây ra các vấn đề hư hại hay đổ vỡ nghiêm trọng.
Vận chuyển hàng Quảng Châu bằng đường hàng không – Phương thức vận chuyển nhanh và an toàn nhất
Tuy nhiên, trên thực tế, vận chuyển hàng hóa bằng máy bay chỉ thực sự là phương pháp tối ưu nếu lượng hàng cần vận chuyển của bạn không quá nhiều và là các sản phẩm có giá trị cao. Bởi chi phí cho việc vận chuyển hàng Quảng Châu về Việt Nam bằng đường hàng không sẽ tốn khá nhiều chi phí cho việc di chuyển cũng như vận chuyển hàng hóa.
Không nhiều đơn vị vận chuyển có dịch vụ vận chuyển bằng đường hàng không, vì vậy bạn có thể tự mình nhập hàng và vận chuyển theo dạng hàng hóa ký gửi và trả tiền cho số lượng hàng hóa mà mình mang theo. Tùy vào chính sách của từng hãng hàng không mà giá ký gửi sẽ giao động từ 500.000 – 1.000.000đ/ 20-45kg.
Cùng với đó, giá vé máy bay khi sang Quảng Châu nhập hàng cũng giao động từ 5 triệu – 8 triệu/ 1 chiều đi. Chưa kể phí di chuyển từ sân bay tới nơi nhập hàng và phí vận chuyển từ sân bay đến cửa hàng, kho khi về đến Việt Nam. Tổng kết lại, tổng chi phí cho việc vận chuyển hàng Quảng Châu về Việt Nam bằng máy bay sẽ dao động trong khoảng 15-20 triệu/ lần nhập hàng.
2.2 Vận chuyển bằng đường biển
Vận chuyển hàng hóa bằng đường biển được xem là phương pháp tối ưu nhất khi người kinh doanh cần vận chuyển một lượng hàng hóa lớn, hàng cồng kềnh, có giá trị.
Vận chuyển bằng đường biển – Phương thức tối ưu nhất cho lượng hàng hóa lớn
Tuy nhiên, vận chuyển hàng Quảng Châu về Việt Nam bằng đường biển sẽ thường tốn thời gian hơn so với các phương thức vận chuyển khác. Bạn thường sẽ phải chờ đợi khoảng 7-10 ngày để hàng cập bến Việt Nam.
Một số chủ cửa hàng nơi bạn nhập hàng sẽ lo toàn bộ quá trình ship hàng từ Quảng Châu về cảng và giao hàng đến điểm bán, nên bạn thường sẽ phải trả thêm 1 khoản phí cho dịch vụ vận chuyển trung gian để kiện hàng đến tận tay bạn.
Thông thường, phương thức vận chuyển này sẽ cần thuê đơn vị vận chuyển, bạn sẽ không thể tự vận chuyển khi sử dụng phương thức này. Tự thuê các đơn vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy có thể dao động trong khoảng 50-100 USD/ CONT.
2.3 Vận chuyển bằng đường bộ
Hình thức vận chuyển này là hình thức được lựa chọn hàng đầu bởi tính kịp thời cũng như chi phí hợp lý. Đối với việc vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ, bạn sẽ chỉ cần chờ đợi từ 3-4 ngày để hàng về đến Hà Nội, 4-5 ngày về đến các bến xe Đà Nẵng và 5-6 ngày trước khi có mặt tại Tp. Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh phía Nam.
Vận chuyển bằng đường bộ – Phương thức được lựa chọn phổ biến nhất
Vận chuyển hàng Quảng Châu về Việt Nam bằng đường bộ thường sử dụng chủ yếu các loại ô tô tải hay container,…để đảm bảo khả năng vận chuyển. Người kinh doanh khi lựa chọn dịch vụ này thường sẽ được làm việc trực tiếp với các bên cung cấp dịch vụ hoặc lái xe để đưa ra lịch trình cụ thể với mức giá cố định và thường ít khi phát sinh các loại chi phí khác.
Nếu bạn tự mình vận chuyển bằng xe khách, bạn có thể lựa chọn chuyến xe đến cửa khẩu và bắt taxi đến bến xe Bằng Tường (khoảng hơn 100.000đ). Sau đó mua vé xe khách đến bến xe Việt Tú Nam (Quảng Châu) với giá vé khứ hồi khoảng 2.000.000 (~540 tệ) với tổng thời gian di chuyển khoảng 17-18 tiếng. Và tiếp tục bắt xe đến khách sạn nơi mình ở hoặc địa chỉ nhập hàng.
Trên thực tế, việc tự vận chuyển hàng hóa từ Quảng Châu về Việt Nam chỉ phù hợp khi lượng hàng hóa không quá lớn và bạn có thể dễ dàng chủ động trong các khâu thực hiện. Nếu lượng hàng hóa nhiều và bạn chưa quá am hiểu về quy trình, thủ tục thì việc lựa chọn đơn vị vận chuyển là điều cần thiết.
Xem thêm: Phần mềm quản lý kho sapo
3. Những lưu ý cần nhớ khi vận chuyển hàng Quảng Châu về Việt Nam
3.1 Đối với hàng hóa
Khoảng cách từ Quảng Châu đến Việt Nam là tương đối xa, vì vậy khâu đóng gói và kiểm kê hàng hóa chi tiết là yếu tố vô cùng quan trọng. Đối với từng mặt hàng khác nhau, bạn cần có cách đóng gói riêng để hạn chế tối đa các nguy cơ hư hỏng, đổ vỡ khi vận chuyển, đặc biệt là hàng hóa có giá trị cao, đồ dễ trầy xước.
Luôn kiểm tra thật kỹ số lượng, mẫu mã, thông tin ký gửi một cách chính xác để đảm bảo khả năng xử lý khi xảy ra vấn đề. Đặc biệt, người bán hàng sẽ đăng tải thông tin cơ bản của bạn, vì vậy hãy luôn giữ các loại giấy tờ, hợp đồng để đảm bảo tuyệt đối về chất lượng và số lượng khi hàng về tay.
Đối với các hàng hóa lớn, có giá trị cao hay dễ hư hỏng, vận chuyển bằng đường biển sẽ là giải pháp tối ưu nhất để đảm bảo an toàn, tiết kiệm chi phí cũng như hạn chế tối đa rủi ro cho hàng hóa của bạn.
Luôn quan tâm đến việc đóng gói và lưu giữ thông tin nhập hàng quan trọng
Đối với việc vận chuyển bằng đường bộ, hãy luôn lường trước các vấn đề như tắc biên, xe hỏng hay va chạm trên đường vận chuyển. Vì vậy, tùy từng thời điểm bạn cần cân nhắc kỹ về phương thức vận chuyển để đảm bảo thời gian tốt nhất.
3.2 Lưu ý về giấy tờ
Để tự sang Quảng Châu nhập hàng và vận chuyển về Việt Nam, bạn cần phải đi qua các cửa khẩu cũng như làm thủ tục xuất nhập cảnh. Vì vậy, hộ chiếu và Visa là yếu tố vô cùng quan trọng.
- Hộ chiếu
Để lấy được hộ chiếu, bạn có thể làm và nhận trực tiếp tại Cục xuất nhập cảnh Việt Nam với thủ tục tương đối đơn giản.
Chuẩn bị hồ sơ gồm:
– 01 tờ khai theo mẫu;
– 02 ảnh mới chụp, cỡ 4cm x 6cm, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu, phông nền màu trắng.
* Đối với người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người chưa đủ 14 tuổi thì:
– Tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu theo mẫu phải do cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật khai, ký tên và được Công an xã, phường, thị trấn nơi người đó thường trú hoặc tạm trú xác nhận, đóng dấu giáp lai ảnh.
– Nộp 01 bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh đối với người chưa đủ 14 tuổi.
– Bản chụp có chứng thực giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp chứng minh người đại diện hợp pháp đối với người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự. Trường hợp bản chụp không có chứng thực thì xuất trình bản chính để kiểm tra, đối chiếu.
Lưu ý:
– Người từ đủ 14 tuổi trở lên có quyền lựa chọn đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử hoặc hộ chiếu không gắn chíp điện tử.
– Người chưa đủ 14 tuổi được cấp hộ chiếu không gắn chíp điện tử.
Nơi nộp hồ sơ:
– Trường hợp chưa có Thẻ căn cước công dân thì nộp hồ sơ tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thường trú hoặc tạm trú.
– Trường hợp có Thẻ căn cước công dân thì nộp hồ sơ tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thuận lợi.
* Những trường hợp đề nghị cấp hộ chiếu lần đầu, nếu nộp hồ sơ tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an (trụ sở: số 44-46 phố Trần Phú, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Tp. Hà Nội hoặc số 333-335-337 Nguyễn Trãi, quận 1, Tp. Hồ Chí Minh) thì phải có các giấy tờ sau:
– Có giấy giới thiệu hoặc đề nghị của bệnh viện về việc ra nước ngoài để khám, chữa bệnh;
– Có căn cứ xác định thân nhân ở nước ngoài bị tai nạn, bệnh tật, bị chết;
– Có văn bản đề nghị của cơ quan trực tiếp quản lý đối với cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức trong lực lượng vũ trang, người làm việc trong tổ chức cơ yếu;
– Vì lý do nhân đạo, khẩn cấp khác do người đứng đầu Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an quyết định.
Cách thức thực hiện:
– Trực tiếp nộp hồ sơ và nhận kết quả tại nơi nộp hồ sơ. Nếu có yêu cầu nhận kết quả tại địa điểm khác với nơi nộp hồ sơ thì phải trả phí dịch vụ chuyển phát qua bưu điện.
Người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người chưa đủ 14 tuổi do người đại diện theo pháp luật nộp hồ sơ.
– Thời gian tiếp nhận hồ sơ: từ thứ 2 đến thứ 6 và sáng thứ 7 hàng tuần (trừ ngày Tết, ngày lễ).
– Thời gian trả kết quả: từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần (trừ ngày Tết, ngày lễ).
Thời hạn giải quyết:
– Không quá 08 ngày làm việc kể từ ngày Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp nhận hồ sơ hợp lệ.
– Không quá 03 ngày làm việc đối với các trường hợp đề nghị cấp hộ chiếu lần đầu nộp hồ sơ tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an./.
- Visa
Đối với Visa, bạn cần đến Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh để hoàn thành thủ tục cần thiết, chứng minh tài chính và chờ kết quả duyệt Visa.
Giấy tờ cần thiết khi xin Visa:
– Hộ chiếu gốc (còn hạn tối thiếu 6 tháng trở lên và còn 1 trang trống để dán visa).
– Bản sao (có công chứng) của 2 loại giấy tờ sau: Chứng minh nhân dân (photo trên một mặt giấy A4, không cắt/xén nhỏ), Sổ hộ khẩu.
– 02 hình thẻ cỡ 4×6 quốc tế, phông trắng, nhìn thẳng mặt, được chụp trong 6 tháng gần đây.
– Hợp đồng lao động hoặc giấy xác nhận nhân viên nếu là cán bộ/ nhân viên.
– Bản sao giấy phép đăng ký kinh doanh (nếu bạn là chủ doanh nghiệp).
– Bản gốc xác nhận và kê sao sổ tiết kiệm ngân hàng với số dư tổi thiểu 50 triệu đồng.
– Vé máy bay khứ hồi, đặt phòng khách sạn, lịch trình tham quan chi tiết…
Ngày trả kết quả duyệt visa: Tại biên nhận sẽ ghi ngày hẹn để trả kết quả Visa, thường sẽ là sau 4 ngày làm việc sau khi nhận được biên lai xác nhận. Trong trường hợp biên nhận chưa ghi ngày trả kết quả, nguyên nhân là do bộ hồ sơ của bạn cần có thêm thời gian xét duyệt, bạn cần đợi thông báo từ điện thoại hoặc thư điện tử của Đại sứ quán. Bạn cũng có thể chủ động liên lạc với Đại sứ quán Trung Quốc khi cần thiết.
- Giấy tờ thông quan quan trọng
Hợp đồng ngoại thương: Đây là bản hợp đồng giữa người mua và người bán ở 2 nước khác nhau về việc mua bán hàng hóa. Trong hồ sơ hải quan, hợp đồng này là chứng từ bắt buộc phải xuất trình được khi làm tờ khai hải quan.
Hóa đơn thương mại: Hóa đơn thương mại sẽ cần ghi rõ đặc điểm hàng hóa, đơn giá và tổng giá trị của hàng hóa, cùng với đó là điều kiện cơ sở giao hàng và phương thức thanh toán, chuyển hàng cụ thể để tính thuế và thông quan hàng hóa.
Phiếu đóng gói hàng hóa: Loại chứng từ này được xem như bảng kê khai đóng gói các loại hàng hóa, dùng để khai báo hãng vận chuyển phát hành vận đơn cũng như hỗ trợ yêu cầu bảo hiểm khi xảy ra vấn đề mất mát hay hư hỏng hàng hóa.
Giấy tờ khác: Ngoài những loại giấy tờ quan trọng trên, bạn còn cần thêm một số loại giấy tờ khác như: Giấy chứng nhận nguồn gốc, Giấy kiểm dịch thực vật, Công bố chất lượng, Giấy đăng ký kiểm chất lượng,…để thông quan thuận lợi hơn.
3.3 Chuẩn bị tiền mặt
Tiền mặt là yếu tố cần thiết trong quá trình di chuyển cũng như các chi phí cần thiết. Tuy nhiên, bạn cũng không nên đổi tiền quá nhiều, chỉ vừa đủ cho tiền vốn nhập hàng cũng như chi phí di chuyển cần thiết.
Bạn có thể đổi tiền VND sang NDT ngay tại các ngân hàng Việt Nam hoặc các cửa khẩu, sân bay. Khi xuất cảnh, nhập cảnh, hải quan cửa khẩu sẽ kiểm tra và bạn không được phép đem quá 3 vạn tệ (~111 triệu VND) khi xuất, nhập cảnh.
Thay vì mang quá nhiều tiền mặt, bạn có thể sử dụng thẻ Visa để rút tiền tại Trung Quốc và chỉ cần dự phòng một lượng tiền mặt vừa đủ để di chuyển cũng như các chi phí cấp thiết khác.
3.4 Quản lý hàng hóa, đơn nhập
Quản lý hàng nhập và đơn nhập hàng chi tiết trên các phần mềm quản lý bán hàng giúp bạn quản lý dễ dàng giá nhập, số lượng nhập cũng như thông tin của đơn vị vận chuyển. Điều này giúp đảm bảo quá trình nhận hàng không xảy ra các vấn đề thất thoát, sai sót nghiêm trọng. Đồng thời, đây cũng là yếu tố giúp bạn kiểm soát công nợ nhà cung cấp chi tiết, hạn chế nguy cơ không có chứng từ đối chiếu gây xung đột với đơn vị nhập hàng.
Xem thêm: Kinh nghiệm đòi bồi thường thiệt hại khi vận chuyển hàng hóa
4. Cách lựa chọn đơn vị vận chuyển uy tín nhất
Hiện nay, nhiều đơn vị vận chuyển đã ra đời để đáp ứng nhu cầu ship hàng Quảng Châu về Việt Nam để đảm bảo tính an toàn cũng như hạn chế tối đa các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình vận chuyển. Tuy nhiên, để lựa chọn chính xác đơn vị vận chuyển, hãy chắc là bạn sẽ luôn ghi nhớ những quy tắc này:
- Đơn vị vận chuyển phải có đầy đủ thông tin liên hệ, website để liên hệ khi cần.
- Quan tâm đến quy mô của công ty, những công ty lớn, có trụ sở ở Quảng Châu và các thành phố lớn để đảm bảo uy tín.
- Ưu tiên những công ty vận chuyển lâu năm, bởi những công ty này sẽ có kinh nghiệm trong việc khai báo hải quan, thông thạo về đường xá giúp đảm bảo quá trình vận chuyển diễn ra suôn sẻ hơn.
- Luôn tìm hiểu kỹ các gói bảo hiểm bởi đây là cơ sở giúp bạn có thể nhận được đền bù tổn thất khi xảy ra vấn đề thất lạc hay hư hỏng hàng hóa trong quá trình vận chuyển.
Trên đây là các cách vận chuyển hàng Quảng Châu về Việt Nam đơn giản và phù hợp nhất. Hy vọng rằng những chia sẻ này của Sapo có thể giúp bạn lựa chọn cho mình phương thức vận chuyển phù hợp nhất, tiết kiệm chi phí và hạn chế tối đa rủi ro.
Xem thêm: Quản lý kho là gì? 15 cách quản lý kho hàng hiệu quả trong bán lẻ