Làm ăn với người trong gia đình có nhiều cái khó, người ngoài sai thì mình có thể nói ngay được còn người nhà sai thì phải dè chừng, khó ăn khó nói. Ngoài ra, vấn đề tiền nong cũng không thể rành mạch như người ngoài.
Có nên góp vốn làm ăn với người nhà?
Từ xưa đến giờ, chủ đề chọn người cùng làm ăn, góp vốn chưa bao giờ hết gian nan phức tạp. Có một số quan điểm cho rằng làm ăn trước tiên nên chọn người nhà vì có thể tin tưởng được, không sợ bị lừa đảo như góp vốn với người xa lạ. Nhưng thực tế đã chứng minh, góp vốn với người nhà kỳ thực mới là khó xử, ví dụ cụ thể như câu chuyện của chị Bích (tên nhân vật đã được thay đổi) dưới đây.
Khi có ý định ra kinh doanh riêng, chị Bích không đủ vốn để mở nhà hàng một mình nên đã quyết định rủ vợ chồng em gái ruột cùng làm. Chị Bích góp 60%, vợ chồng em gái góp 40%, cả ba người cùng làm full-time tại quán lẩu nướng đó, em gái chị đứng bếp nấu chính, hàng ngày lo đi chợ mua đồ cho nhà bếp còn chị lo khách khứa, quán xuyến cửa hàng, em rể thì chạy đi chạy lại trông xe, phục vụ bê đồ và đi ship đơn.
Mọi chuyện êm xuôi chưa được bao lâu thì xảy ra trục trặc, chị Bích thường xuyên phát hiện ra em rể mỗi lần đi ship đơn cho khách thì thường thu phí ship chênh lên một hai chục, có khách phàn nàn lại về quán là tiền ship cao hơn thỏa thuận ban đầu, nhưng cũng có khách không nói gì cả và cũng không đặt món lần nào nữa. Về phần em gái chị hàng ngày đi chợ thì có kê khai tiền mua đồ khống lên để rút lõi tiền chợ, chị Bích có biết nhưng nghĩ chẳng đáng bao nhiêu hơn nữa nó lại là em gái mình nên thôi bỏ qua. Nhưng chuyện rút lõi ngày càng lớn, món nào cũng kê khai gian lận và số tiền rất vô lý. Đã có đôi lần chị Bích nói bóng nói gió thì em chị giảm bớt được vài hôm, sau lại đâu vào đó.
Cực chẳng đã, tuần vừa rồi chị Bích có ngồi lại với vợ chồng em gái về những vấn đề đó và yêu cầu từ nay phải thay đổi, không được hành xử như vậy nữa. Nào ngờ, vợ chồng em gái đã không chịu nhận lỗi còn thái độ này khác, ý nói rằng vì muốn giúp đỡ chị nên mới bỏ công việc về đây cùng hùn vốn làm ăn, giờ chị cậy góp vốn nhiều hơn để lướt lướt. Không những thế còn đem chuyện này đi nói xấu chị với họ hàng, bạn bè khiến mọi người nghĩ chị Bích là con người hẹp hòi, ăn chặn tiền hàng của người trong gia đình. Chị Bích vừa buồn bực lại vừa cảm thấy bị oan ức nhưng đứng trước hoàn cảnh đó chính là em gái, em rể của mình chị lại không nỡ làm rùm beng lên, chỉ im lặng đóng cửa quán và cạch mặt làm ăn với người nhà.
Góp vốn kinh doanh với người nhà và những câu chuyện khó xử
Những chuyện như gia đình chị Bích gặp phải là không hiếm, nhất là khi người Việt Nam nói chung phần lớn đều quan niệm làm ăn với người nhà tốt hơn, phải dành cơ hội kiếm tiền cho người trong gia đình, người quen biết trước. Chính thói quen cả nể, không minh bạch tài chính, không căn cơ chính xác từng đồng đã dẫn tới sự hao hụt, lỗ vốn, rồi gây bất hòa, mâu thuẫn trong gia đình.
Người xưa có câu nói, mất lòng trước được lòng sau, theo quan điểm của người viết, một khi đã dính tới chuyện tiền nong, làm ăn thì dù là người nhà hay người ngoài cũng cần sự minh bạch, chính xác. Nếu chúng ta không trực tiếp làm được thì có thể sử dụng các công cụ làm việc đó thay mình, ví dụ như là dùng phần mềm quản lý bán hàng để giám sát, quản lý, định lượng sẵn nguyên vật liệu, cập nhật tiền hàng từng phút từng giờ,..
Đừng tự đẩy mình vào tình huống khó xử rồi đứng giữa ranh giới giữa mất người thân hoặc mất tiền bạc vốn liếng.
(Bài viết theo quan điểm cá nhân của tác giả)
Người viết: My Mai