Các món muối xổi, muối chua là một món ăn kèm cực kì thích hợp để giúp chống ngán trong những bữa ăn, đồng thời tăng thêm dư vị khiến các món ăn trở nên ngon hơn. Chỉ với 1 vài thao tác đơn giản mà KiotViet tổng hợp và giới thiệu bên dưới, các chủ quán có thể tự tay chuẩn bị món ăn kèm này để “ghi điểm” trong lòng các thực khách.
1. Sung muối xổi
Nguyên liệu:
- 200gr quả sung
- Tỏi, ớt, củ sả
- Muối, đường, giấm
Lưu ý: Với cách làm sung muối xổi này, bạn nên chọn sung nếp, loại sung quả nhỏ, đặc ruột và ruột có màu hồng, ăn sẽ đỡ chát và giòn hơn.
Cách làm:
Bước 1: Chuẩn bị một bát tô nước, pha với một chút giấm và muối hạt to. Giấm sẽ giúp làm sạch nhựa để khi muối sung sẽ không bị thâm đen, còn muối hạt giúp làm giảm độ chát của sung. Bạn rửa sạch sung, sau đó thái lát mỏng và thả ngay vào tô nước đã pha.
Bước 2: Rửa sung ở bát nước đó sau đó vớt ra, ngâm tiếp vào một bát nước khác được pha với những nguyên liệu tương tự (lần này pha giấm nhiều hơn tô trước) và ngâm thêm 15 phút nữa, khi ngâm bạn nên đặt lên trên mặt nước một cái đĩa sau đó đặt vật nặng hoặc một bát nước nhỏ lên trên để chèn cho sung luôn ngập trong nước.
Bước 3: Sau khi ngâm xong, bạn vớt sung ra và ướp gia vị. Gia vị gồm: 20gr muối bột canh + 40gr đường + 40gr giấm + 1 quả ớt cắt miếng + 1 nhánh tỏi thái lát + 2 củ sả băm nhỏ. Trộn đều hỗn hợp gia vị lên, đổ vào hũ và chèn cho hỗn hợp đã pha ngập mặt sung, sau đó để cho sung ngấm gia vị ít nhất khoảng 30 phút là có thể ăn được.
2. Dưa chuột muối
Nguyên liệu:
- Dưa leo
- Tỏi, nước mắm, đường, ớt quả, chanh (định lượng tùy theo sở thích của bạn)
- Rau thơm
Cách làm:
Bước 1: Dưa leo rửa sạch, bỏ hết ruột
Bước 2: Thái dưa leo thành từng lát xéo vừa ăn
Bước 3:
– Trộn vào bát dưa leo một ít muối, dùng tay sạch, trộn đều, để khoảng 15 – 30 phút.
– Tiếp theo dùng tay sạch vắt nhẹ để dưa leo ra bớt hết nước. Để dưa leo vào thố sạch.
Bước 4: Tỏi, ớt, đường, giã nhuyễn.
Bước 5: Tiếp theo trộn tỏi, ớt đã giã nhuyễn, thêm nước mắm, vắt vào vài giọt chanh, trộn đều, nêm nếm lại tùy theo sở thích của bạn.
Bước 6:
– Rau thơm rửa sạch, thái nhỏ.
– Cuối cùng trộn rau thơm đã thái nhỏ, trộn đều, múc ra dĩa.
Xem thêm:Menu điện tử đang dần trở thành xu hướng trong các nhà hàng hiện nay
3. Dưa góp
Nguyên liệu:
- 1 củ cà rốt
- 1 củ su hào
- 2 quả dưa chuột
- 6,7 nhánh tỏi
- 2,3 quả ớt cay
Cách làm:
Bước 1: Dưa chuột bổ đôi, bỏ ruột, su hào cà rốt rửa sạch sau đó dùng dao có hình răng cưa cắt tất cả thành hình sao cho đẹp mắt, trộn với 2 thìa cà phê muối tinh, ướp trong 15 phút, đổ bỏ phần nước tiết ra để rau củ được giòn hơn.
Bước 2: Pha nước ngâm dưa góp: Pha theo tỉ lệ 1:1, 1 bát giấm, 1 bát đường, 1 bát nước mắm, 1 bát nước trắng, đun sôi phần hỗn hợp này, thêm tỏi đập dập hoặc thái lát. Đợi hỗn hợp nguội hẳn thì thái ớt thêm vào (tuỳ độ cay của mỗi gia đình mà cho vừa khẩu vị).
Bước 3: Chuẩn bị bình thuỷ tinh, tráng nước sôi, để bình được khô ráo. Xếp tất cả dưa chuột, cà rốt, su hào vào bình. Đổ hết phần hỗn hợp ngâm vào, đậy lắp, sau 1 ngày là ăn được. Nếu muốn để lâu thì sau một ngày cho dưa góp vào ngăn mát tủ lạnh ăn dần.
4. Cà pháo ngâm
Nguyên liệu:
- 1 kg cà pháo tươi
- 2-3 củ tỏi
- 5-7 quả ớt
- Gừng
- Muối
- Đường
Cách làm:
Bước 1: Phơi cà héo trong 2 tiếng hoặc nửa ngày. Để cà pháo giòn, bạn đem phơi ngoài nắng tầm 2 tiếng cho cà héo, sau đó cắt bỏ cuống và ngâm trong nước muối để đào thải hết chất độc. Bạn tiếp tục rửa sạch cà, để ráo nước, chuẩn bị gia vị ướp gồm tỏi, ớt, gừng đập dập, thái nhỏ.
Bước 2: Pha nước ngâm cà pháo gồm 1 lít nước sạch, 3 muỗng muối, 1 muỗng đường, đun sôi để nguội. Nếu muốn cà nhanh chua, bạn thêm một muỗng nước mắm vào hỗn hợp nước đã pha. Tiếp theo, xếp muối, tỏi, gừng, cà pháo vào hũ. Bạn rải 1 lớp muối, tỏi đập dập xuống dưới đáy hũ rồi xếp 1 lớp cà lên. Tiếp tục xếp theo thứ tự cho đến khi hết cà thì đổ dung dịch nước đã nấu vào hũ sao cho nước ngập hết mặt cà. Bạn sử dụng túi nước, đĩa nhỏ để đè cho cà không nổi lên trên mặt nước.
Bước 3: Sau khi muối khoảng 2-3 ngày thì độ chua của cà pháo đạt chuẩn, bạn có thể ăn cùng nước mắm ớt tỏi, mắm ruốc, mắm tôm. Bạn lưu ý là nên muối khoảng 1 kg cà pháo, nếu muối quá nhiều sẽ không ăn kịp, để lâu nước cà nổi váng trắng, vị mất ngon và cà bị thâm.
Xem thêm:5 yếu tố mà khách hàng thực sự cần khi bước vào quán cafe, nhà hàng của bạn
5. Măng cay chua tỏi ớt
Nguyên liệu:
- Măng tươi 1 kg
- Tỏi 100 gr
- Ớt tươi 100 gr
- Giấm ăn 1 chén (chén cơm)
- Nước vo gạo (dùng ngâm măng)
- Muối/ đường
Cách làm:
Bước 1: Sơ chế và ngâm măng tươi
Măng tươi sau khi mua về bạn bóc bỏ lớp bẹ già rồi rửa qua với nước.
Cắt măng thành từng miếng mỏng theo chiều dọc của củ măng rồi rửa sạch măng với nước 1 lần nữa.
Ngâm ngập măng đã cắt với nước cùng 2 muỗng canh muối. Để măng trắng giòn và loại bỏ được độc tố, bạn thêm khoảng 500ml nước vo gạo vào ngâm cùng.
Ngâm măng với hỗn hợp nước muối và nước vo gạo khoảng 10 giờ (qua 1 đêm) rồi bạn vớt ra, để ráo.
Để măng được trắng, giòn, khi muối được ngon hơn, bạn cho măng đã để ráo vào thau, ngâm cùng 1 chén giấm ăn và 1 lít nước trong khoảng 30 phút.
Sau 30 phút, măng đã trắng giòn hơn thì bạn vớt ra, để ráo nước.
Bước 2: Sơ chế tỏi và ớt
Tỏi bóc vỏ, cắt lát mỏng. Ớt bỏ cuống, rửa sạch rồi cắt nhỏ.
Bước 3: Nấu nước ngâm và ngâm măng
Cho vào nồi 1 lít nước cùng 2 muỗng canh muối, 2.5 muỗng canh đường. Đun đến khi nước sôi thì tắt bếp, để nguội.
Nước ngâm đã nguội thì bạn cho vào hũ đựng rồi cho toàn bộ phần măng, tỏi, ớt đã để ráo vào, nhấn nhẹ cho các nguyên liệu trên ngập nước và đậy kín nắp hũ lại.
Đem hũ đựng măng để ở nơi thoáng mát. Sau thời gian khoảng 5 – 7 ngày, măng đạt độ chua nhất định là có thể thưởng thức. Món măng cay thường được ăn cùng các loại bún và đặc biệt là bún cá.
Hi vọng sau khi tham khảo bài viết này, các chủ nhà hàng, quán ăn sẽ có thêm nhiều kiến thức hữu ích bổ sung vào chiến lược kinh doanh nhằm xây dựng và phát triển thương hiệu nhà hàng, quán ăn của mình.