Hiện nay BĐS khu vực Bà Rịa đang khá hot. Có một số anh em từng đề cập đến dự án cảng ở đây. Bài viết này nhằm chia sẻ kiến thức tổng quan về nghiệp vụ kinh doanh cảng biển để anh em có thêm thông tin đánh giá tiềm năng của bất động sản Phú Mỹ quanh đó trong thời gian tới. Bài viết nhằm chia sẻ kiến thức chuyên môn, không liên quan đến việc phân tích cơ hội đầu tư nhà đất ở đây. Tuy nhiên qua bài viết thì anh em có thể tự đánh giá và cảm nhận cơ hội là cao hay thấp, và ngắn hay dài hạn.
Sự kết nối giữa cảng nước sâu tại Cái Mép và cảng nước nông tại TPHCM
Về hệ thống cảng biển, cơ bản bao gồm 2 loại hình cảng là cảng nước nông (bao gồm cảng biển và cảng sông) và cảng nước sâu.
Xét riêng tại khu vực phía Nam, hệ thống cảng hiện hữu tại khu vực TP.HCM được coi là cảng nước nông, với cốt luồng chỉ vào khoảng âm 8-11m (tuỳ vi trí lưu vực sông). Với hạn chế của độ sâu cốt luồng như vậy, các cảng quanh TP.HCM (bao gồm các cảng chính như khu vực Cát Lái, Hiệp Phước) chỉ đón nhận các tàu nhỏ, trung bình khoảng 1,000-3,000 TEU (TEU – Twenty Feet Equivalent Unit, hiểu nôm na 1 TEU= 1 container 20 feet). Các tàu nhỏ và trung bình này chủ yếu chạy các tuyến nội địa, tuyến xuyên Châu Á (Intra-Asia), bao gồm Đông Nam Á, Bắc Á, v.v. với nhiệm vụ chính là gom hàng về các cảng trung chuyển tại khu vực rồi hàng lại được tiếp tục xếp lên đội tàu mẹ chuyên chở xuyên đại dương (v.d chạy các tuyến Châu Âu, Mỹ). Đội tàu nhỏ này phần lớn là tàu feeder (tạm gọi là tàu trung chuyển cho dễ hiểu), và một số tàu mẹ kích cỡ nhỏ (các tàu mẹ này có thể vận chuyển hàng trực tiếp một số tuyến ngắn không qua trung chuyển như Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, v.v.).
Đối với các tàu lớn và thế hệ tàu siêu lớn (Ultra Large Carrier), cần phải có độ sâu cốt luồng lớn mới có thể lưu thông được, đó chính là lí do tại sao các cảng biển nước sâu được phát triển tại khu vực Bà Rịa. Các tàu mẹ này thường có dung tích chuyên chở trên 5,000TEU, thường là các tàu chạy xuyên đại dương, cung cấp dịch vận chuyển direct mà không cần phải trung chuyển qua hệ thống cảng trung chuyển. Luồng Vũng Tàu – sông Thị Vải tại Bà Rịa có cốt luồng trung bình vào khoảng âm 13-14m. Một trong những con tàu lớn nhất thế giới đã từng ghé vào hệ thống cảng Cái Mép là tàu Margrethe Maersk của hãng vận tải biển lớn nhất thế giới MAERSK SHIPPING với dung tích chuyên chở khoảng 20,000TEU, với chiều. dài xấp xỉ 400m, dài hơn chiều cao của tháp Eiffel.
Việc kết nối trung chuyển hàng hoá giữa cảng nước nông và cảng nước sâu có thể được thực hiện bằng hình thức đường bộ hoặc đường sông (xà lan). Ví dụ hàng xuất khẩu đi Mỹ được tập kết về Cát Lái, rồi sau đó được trung chuyển bằng xà lan tới Cái Mép để xếp lên tàu mẹ, và qui trình ngược lại cho hàng nhập khẩu. Trong tương lai hàng có thể được trung chuyển bằng đường sắt từ các depot/cảng bên ngoài tới Cái Mép khi tuyến đường sắt được triển khai.
Bài viết về hệ thống cảng VN
- 10 lý do chính nên dịch chuyển cảng Sài Gòn về cảng Cái Mép Thị Vải
- Vai trò của cảng Cát Lái trong hệ thống cảng biển miền Nam
Tại sao Việt Nam cần phát triển hệ thống cảng nước sâu.
Hiện tại hàng xuất khẩu của VN đang cạnh tranh khốc liệt với hàng từ Trung Quốc. Đa phần các cảng biển của Trung Quốc là các cảng biển nước sâu, hàng được chuyên chở trực tiếp đến các nước Châu Âu, Mỹ với thời gian vận chuyển ngắn và chi phí vận tải biển thấp (cắt giảm chi phí trung chuyển qua các cảng trung chuyển). Chính vì vậy, hàng xuất khẩu từ VN ngoài việc cạnh tranh về chất lượng thì cần phải cạnh tranh về giá, trong đó giá vận chuyển (hay gần đây thường gom vào thuật ngữ chi phí logistics) chiếm tỉ trọng rất lớn trong giá thành của một container hàng.
Trong khoảng 10 năm vừa qua, đã có nhiều dự án cảng nước sâu được xây dựng và vận hành tại khu vực Cái Mép – Thị Vải (bao gồm cả cảng container và cảng hàng rời). Các nhà phát triển và vận hành cảng đều là các tên tuổi lớn như PSA Singapore, Hutchison Hongkong, SSA Marine US, AP-Moller, Gemalink (liên doanh giữa Gemadetp & CMA-CGM, hãng tàu lớn thứ 3 thế giới), và tất nhiên là không thiếu Tân Cảng Sài Gòn. Một dự án cảng Cái Mép hạn với tổng diện tích khu vực khoảng 1,700ha cũng đang kêu gọi nhà đầu tư và sắp được triển khai.
Việc phát triển hệ thống cảng nước sâu tại Cái Mép – Thị Vải có ảnh hưởng đến vị trí cảng Cát Lái không?
Nói không ảnh hưởng thì không chính xác lắm, nhưng ảnh hưởng không đáng kể. Thứ nhất, đa phần khách hàng vẫn thường thích làm thủ tục khai quan hàng hoá tại khu vực TP.HCM, đi lại thuận tiện, chi phí vận chuyển từ cảng về nhà máy cũng thường thấp hơn. Thứ hai, cho dù hàng được xếp lên tàu mẹ tại Cái Mép – Thị Vải nhưng container vẫn đa phần được tập kết về cảng Cát Lái, rồi trung chuyển bằng xà lan qua Cái Mép (tất nhiên vẫn có một lượng hàng nhất định chuyển thẳng về cảng Cái Mép nếu nhà máy họ gần đó). Tiếp theo, một yếu tố không thể xét đến là Cát Lái là cảng của Tân Cảng quản lý khai thác, là đơn vị của quân đội. Ngoài nhiệm vụ làm kinh doanh, Tân Cảng còn có nghĩa vụ về quốc phòng. Việc kinh doanh cảng vừa đảm bảo yếu tố làm kinh tế, vừa đảm bảo nhiệm vụ quốc phòng, vì thế vị thế của Cát Lái vẫn còn rất quan trọng trong trung hạn và dài hạn. Còn có một số yếu tố nữa ảnh hưởng nhưng tôi sẽ không xét đến trong bài viết này.
Với việc phát triển hiện tại, hệ thống cảng nước sâu tại Cái Mép – Thị Vải mới chỉ đóng vai trò là cảng xuất/nhập khẩu, chưa thể hiện rõ vai trò là cảng trung chuyển giống như Singapore, Hongkong,v.v. Nếu được đầu tư bài bản, Cái Mép – Thị Vải hoàn toàn có thể cạnh tranh vị trí cảng trung chuyển của khu vực Đông Nam Á & Đông Bắc Á để cạnh tranh trực tiếp với Singapore, Hongkong.
Nếu xét về chuyên môn vận hành hệ thống cảng biển, logistics thì còn rất nhiều điều để viết, nhưng bài viết này chỉ nhằm tóm lược những ý chính để chia sẻ cùng các anh em. Hy vọng thông tin của bài viết là hữu ích.
Việc phát triển hệ thống cảng tại Cái Mép – Thị Vải đương nhiên có liên quan trực tiếp đến hệ thống hạ tầng, phát triển kinh tế của khu vực này. Nó ảnh hưởng ra sao đến thị trường nhà đất tỉnh Bà Rịa nói chung và Phú Mỹ nói riêng, tự các chuyên gia đánh giá và cảm nhận cơ hội.
Nguồn: FB Tony Hiếu
https://giaphucland.com/tin-tuc/tin-thi-truong