Hoa hồng đại lý được xem là một trong những yếu tố quan trọng trong hạch toán mà kế toán cần lưu ý. Trong bài viết này, Sapo.vn sẽ chia sẻ với bạn về cách hạch toán hoa hồng đại lý chính xác và đầy đủ nhất.
1. Hoa hồng đại lý bán hàng là gì?
Hoa hồng là khái niệm được sử dụng rất nhiều trong hoạt động giao thương. Hoa hồng sẽ xuất hiện ở hoạt động trung gian giữa bên mua, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ với bên có nhu cầu với hàng hóa dịch vụ đó.
Theo Luật thương mại 1997 và Luật thương mại 2005, hoa hồng hay tiền hoa hồng tại các quy định về đại lý thương mại quy định:
- Theo điều 113 quy định về thù lao đại lý: Thù lao đại lý là khoản tiền do bên giao đại lý trả cho bên đại lý dưới hình thức hoa hồng hoặc chênh giá
- Theo Khoản 1, Điều 116 quy định về hình thức đại lý hoa hồng: Đại lý hoa hồng là hình thức bên đại lý thực hiện việc mua, bán hàng theo giá mua, giá bán do bên giao đại lý ấn định để được hưởng hoa hồng. Mức hoa hồng được tính theo tỷ lệ phần trăm do các bên thỏa thuận trên giá mua, giá bán hàng hóa.
Theo luật thương mại 2005 quy định về liên quan đến tiền hoa hồng tại các Điều khoản sau:
- Khoản 1, Khoản 2 Điều 171 quy định về thù lao đại lý:
- Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, thù lao đại lý được trả cho bên đại lý dưới hình thức hoa hồng hoặc chênh lệch giá
- Trường hợp bên giao đại lý ấn định giá mua, giá bán hàng hóa hoặc giá cung ứng dịch vụ cho khách hàng thì bên đại lý được hưởng hoa hồng tính theo tỷ lệ phần trăm trên giá mua, giá bán hàng hóa hoặc giá cung ứng dịch vụ…
Từ đây có thể hiểu một cách đơn giản: Tiền hoa hồng là khoản chi phí mà bên giao đại lý trả cho bên đại lý để thực hiện việc mua, bán hàng hóa cho bên giao đại lý hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng theo giá mua, giá bán hàng hóa hoặc giá cung ứng dịch vụ do bên giao đại lý ấn định.
Mức tiền hoa hồng được tính theo tỷ lệ phần trăm trên giá mua, giá bán hàng hóa hoặc giá cung ứng dịch vụ. Việc chi hoa hồng để đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh, dịch vụ là việc làm thường xuyên nhằm khuyến khích bên có nhu cầu sử dụng dịch vụ.
2. Đại lý bán đúng giá hưởng hoa hồng là gì?
Đại lý bán đúng giá hưởng hoa hồng là hình thức hoạt động bên đại lý sẽ nhận khoản thù lao bằng hình thức hoa hồng đại lý theo thỏa thuận từ trước trong hợp đồng giữa đôi bên.
- Bên giao đại lý ấn định giá mua, giá bán hàng hóa hoặc giá cung ứng dịch vụ cho khách hàng
- Bên đại lý bán đúng giá ấn định, hưởng hoa hồng theo tỷ lệ phần trăm trên giá mua, giá bán hàng hóa hoặc giá cung ứng dịch vụ
* Ưu điểm: Đảm bảo cạnh tranh công bằng cho các đại lý trực thuộc bên giao đại lý tránh việc bán phá giá trên thị trường để thu hút khách hàng. Đồng thời, đảm bảo uy tín cho bên giao đại lý, quyền lợi cho khách hàng trong trường hợp một số đại lý nâng mức giá quá cao nhằm thu lợi nhuận lớn hơn.
* Nhược điểm: Bên đại lý bị động hơn trong việc cạnh tranh về giá bán với các nhãn hàng, dịch vụ cùng loại khác hoặc giữa các đại lý với nhau.
3. Một số lưu ý về hoa hồng đại lý
-
Hoa hồng đại lý phải viết hóa đơn
Trên thực tế, người bán hàng cần lập hóa đơn khi bán hàng, cung ứng dịch vụ, bao gồm các trường hợp hàng hóa, dịch vụ sử dụng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu hoặc hàng hóa, dịch vụ để cho, biếu tặng, trả thay lương cho người lao động.
Hoa hồng đại lý là khoản thù lao mà đại lý nhận được khi thực hiện việc bán hàng, cung ứng dịch vụ cho khách hàng thay bên giao đại lý. Khoản thù lao này sẽ được ghi nhận là doanh thu cung cấp dịch vụ của bên đại lý. Phía đại lý sẽ xuất hóa đơn cho hóa hồng đại lý và trên hóa đơn ghi rõ nội dung “Hoa hồng đại lý”.
Bên giao đại lý sẽ kê khai thuế GTGT đầu vào, hạch toán vào chi phí bán hàng đối với phần hoa hồng đại lý.
-
Hoa hồng đại lý chịu thuế GTGT
Đối tượng chịu thuế GTGT là hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam (bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ mua của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài), trừ các đối tượng không chịu thuế GTGT hướng dẫn tại Điều 4, TT 219/2013/TT-BTC.
Hoa hồng đại lý không nằm trong 26 đối tượng không chịu thuế GTGT được quy định tại Điều 4 TT 219/2013/TT-BTC nên hoa hồng đại lý phải chịu thuế GTGT. Hoa hồng đại lý thuộc đối tượng chịu thuế suất 10% theo quy định tại Điều 11 TT 219/TT-BTC.
-
Kê khai thuế GTGT đối với hoa hồng đại lý
Đại lý bán hàng hóa, dịch vụ hoặc đại lý thu mua theo hình thức bán, mua đúng giá hưởng hoa hồng không phải khai thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ bán đại lý, hàng hóa thu mua đại lý nhưng cần phải khai thuế GTGT đối với doanh thu hoa hồng đại lý được hưởng.
Đối với các hình thức đại lý khác thì người nộp thuế cần phải khai thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ bán hàng hóa đại lý, hàng hóa thu mua đại lý và thù lao đại lý được hưởng.
-
Những trường hợp đặc biệt không kê khai và nộp thuế
Theo quy định, phần hoa hồng đại lý thuộc đối tượng chịu thuế GTGT. Tuy nhiên, hoa hồng đại lý không phải kê khai và nộp thuế GTGT trong các trường hợp sau:
- Doanh thu hoa hồng được hưởng từ hoạt động đại lý bán đúng giá hưởng hoa hồng của các dịch vụ: bưu chính, viễn thông, bán xổ số, vé máy bay, ô tô, tàu hỏa, tàu thủy, đại lý vận tải quốc tế, đại lý của các dịch vụ hàng không, hàng hải được áp dụng thuế suất GTGT 0%, đại lý bán bảo hiểm.
- Doanh thu hoa hồng đại lý được hưởng từ hoạt động đại lý bán hàng hóa, dịch vụ không thuộc diện chịu thuế GTGT.
Xem thêm: Thủ tục và điều kiện hoàn thuế GTGT đầy đủ nhất 2022
4. Cách hạch toán hoa hồng đại lý
4.1 Kế toán bên giao hàng đại lý
- Trường hợp bên giao đại lý không yêu cầu đặt cọc tiền
– Khi xuất hàng gửi đại lý, căn cứ vào phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ (hoặc hóa đơn GTGT), kế toán ghi:
Nợ TK 157 – Giá trị hàng gửi bán
Có TK156
– Căn cứ vào Bảng kê hóa đơn bán ra của sản phẩm đại lý đã tiêu thụ trong tháng, doanh nghiệp lập hóa đơn GTGT phản ánh doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ và hoa hồng phải trả:
+ Phản ánh doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ:
Nợ TK 111, 112, 131: Số tiền hàng thu từ đại lý
Có TK 511 – Doanh thu hàng gửi bán
Có TK 3331- Thuế GTGT phải nộp
+ Phản ánh chi phí hoa hồng:
Nợ TK 641- Chi phí hoa hồng phải trả
Nợ TK 133- Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ
Có TK 111,112,131
+ Phản ánh giá vốn hàng bán:
Nợ TK 632
Có TK 157
- Trường hợp bên giao đại lý yêu cầu đặt cọc tiền
Tình huống 1: Nếu xem khoản đặt cọc chỉ mang ý nghĩa đảm bảo việc bên nhận đại lý thực hiện các nghĩa vụ trong hợp đồng
– Khi nhận tiền đặt cọc từ đại lý:
Nợ TK 111, 112
Có TK 344
– Hạch toán hàng gửi bán, doanh thu bán hàng, chi phí hoa hồng đại lý, giá vốn hàng bán như trường hợp không yêu cầu cọc tiền đã nêu ở mục 1.
– Khi trả lại tiền cọc cho bên đại lý:
Nợ TK 344
Có TK 111,112
Có TK 711 – trừ khoản tiền phạt do bên đại lý vi phạm hợp đồng (nếu có)
Tình huống 2: khoản đặt cọc được sử dụng như một khoản ứng trước để nhận hàng bán đại lý hoặc khoản tiền ứng trước để nhận hàng mẫu hoặc hàng bán đại lý
– Khi nhận tiền cọc, ghi nhận như một khoản ứng trước tiền mua hàng và hạch toán theo quy định:
Nợ TK 111,112: Số tiền bên nhận đại lý ứng trước
Có TK 131 (dư Có): Số tiền bên nhận đại lý ứng trước
4.2 Kế toán bên đại lý
- Trường hợp bên giao đại lý không yêu cầu đặt cọc tiền
– Khi bán được hàng, căn cứ vào hóa đơn GTGT đã xuất cho khách hàng, kế toán lập bảng kê, xác định số tiền phải trả cho bên giao đại lý:
Nợ TK 111,112,131
Có TK 331 – Số phải trả cho bên giao đại lý
– Xác định tiền hoa hồng được hưởng:
Nợ TK 331
Có TK 511- Doanh thu hoa hồng đại lý
Có TK 3331- Thuế GTGT đầu ra phải nộp
– Trả tiền cho bên giao đại lý:
Nợ TK 331
Có TK 111,112 – Số tiền còn lại phải trả cho bên giao đại lý sau khi trừ đi số tiền hoa hồng được hưởng
- Trường hợp bên giao đại lý yêu cầu đặt cọc tiền
Tình huống 1: Nếu xem khoản đặt cọc chỉ mang ý nghĩa đảm bảo bên nhận đại lý thực hiện các nghĩa vụ trong hợp đồng
– Khi nộp tiền cọc cho bên giao đại lý kế toán ghi:
Nợ TK 244- Số tiền mang đi ký quỹ thực hiện hợp đồng
Có TK 111, 112
– Hạch toán doanh thu hoa hồng đại lý, số tiền phải trả cho bên giao đại lý tương tự như sơ đồ hình 7.
– Khi được hoàn trả tiền ký cọc, kế toán ghi:
Nợ TK 111, 112- Số tiền ký quỹ thực hiện hợp đồng được hoàn trả.
Nợ TK 811 – Số tiền bị phạt do vi phạm hợp đồng (nếu có)
Có TK 244 – Số tiền ký quỹ thực hiện hợp đồng được hoàn trả.
Tình huống 2: khoản đặt cọc được sử dụng như một khoản ứng trước để nhận hàng bán đại lý hoặc khoản tiền ứng trước để nhận hàng mẫu hoặc hàng bán đại lý
– Ghi nhận như một khoản ứng trước tiền mua hàng và hạch toán theo quy định:
Nợ TK 331: Số tiền ứng trước cho bên giao đại lý
Có TK 111, 112
Trên đây là những yếu tố quan trọng về hoa hồng đại lý và cách hạch toán hoa hồng đại lý mà Sapo muốn chia sẻ với bạn. Chúng tôi hy vọng rằng những chia sẻ trên có thể giúp bạn đánh giá từng trường hợp và định khoản một cách chính xác nhất.
Xem thêm:
- Cấn trừ công nợ là gì? Các quy định liên quan đến biên bản cấn trừ công nợ
- Thuế thu nhập doanh nghiệp là gì? Thủ tục kê khai và quyết toán thuế