Một lựa chọn quan trọng mà nhà doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ cần phải làm là quyết định xem mình nên bắt đầu công việc riêng lẻ hay kết hợp với những nhà doanh nghiệp khác. Họ cần phải xem xét nhiều yếu tố, bao gồm phẩm chất và kỹ năng của người đó cũng như bản chất của công việc kinh doanh.
Ví dụ ở Hoa Kỳ, các nghiên cứu cho thấy gần như một nửa các công ty kinh doanh mới được thiết lập bởi những nhóm từ 2 người trở lên. Thông thường thì họ là những người rất quen biết với nhau. Trên thực tế, phổ biến ở các nhóm là những cặp vợ chồng.
Có rất nhiều lợi thế khi khởi đầu một doanh nghiệp với những nhà doanh nghiệp khác. Các thành viên trong nhóm chia sẻ trách nhiệm khi quản lý, ra quyết định. Họ còn động viên, khuyến khích lẫn nhau để làm giảm căng thẳng, áp lực lên mỗi cá nhân.
Những công ty được thiết lập bởi các nhóm dường như có rủi ro thấp hơn. Nếu một thành viên sáng lập nào đó không thể đảm đương được trách nhiệm của mình thì người khác có thể nối tiếp công việc.
Mối tương tác nhóm thông thường tạo ra sức sáng tạo. Các thành viên trong nhóm có thể nảy ra những ý tưởng từ quá trình phối hợp với nhau và đưa ra những giải pháp cho các vấn đề đang vướng mắc.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các nhà đầu tư, các ngân hàng dường như thích cấp vốn cho những doanh nghiệp mới được thiết lập bởi nhiều người hơn là cho một nhà doanh nghiệp. Chỉ riêng yếu tố này cũng đã là lý do để kinh doanh theo nhóm rồi.
Những lợi thế quan trọng khác của việc hoạt động theo nhóm còn đến từ nguồn lực tài chính và kinh nghiệm chuyên môn. Trong tình huống tốt nhất, những thành viên trong nhóm có được những kỹ năng bổ sung lẫn cho nhau. Một người có thể là chuyên gia trong lĩnh vực máy móc thiết bị, còn người kia là chuyên gia trong việc xúc tiến thương mại.
Nhìn tổng quan, những nhóm vững mạnh sẽ có cơ hội thành công lớn hơn. Trên tờ Những doanh nghiệp công nghệ cao, giáo sư Edward Roberts của Viện Công nghệ Massachusetts chỉ ra rằng, những công ty được thành lập bởi các nhóm khả năng kinh doanh có tỷ lệ thất bại thấp hơn những công ty được thành lập bởi một doanh nhân đơn lẻ. Điều này đặc biệt đúng khi mà nhóm lại bao gồm cả chuyên gia về marketing.
Những nhà doanh nghiệp ở lứa tuổi khác nhau cũng có thể tạo ra những nhóm tương hỗ. Đó là tinh thần lạc quan và phong cách, nhiệt huyết chinh phục của tuổi trẻ, trong khi tuổi tác lại mang lại sự tin cậy và kinh nghiệm. Ví dụ, năm 1994 Marc Andeessen là một kỹ sư máy tính thông minh, trẻ trung với những ý tưởng mới. James Clark là nhà sáng lập và chủ tịch Silicon Graphics đã nhìn thấy tầm nhìn của anh ta. Cuối cùng thì họ cùng nhau thiết lập Netscape Navigator, một phần mềm máy tính trình duyệt Internet đã làm biến đổi toàn bộ lĩnh vực máy tính cá nhân.
Tuy nhiên, việc thiết lập nhóm kinh doanh cũng có những bất lợi nhất định. Đầu tiên, nhóm chia quyền sở hữu. Nhìn chung, các nhà doanh nghiệp không nên đề xuất việc chia quyền sở hữu trừ khi đối tác tiềm năng có đóng góp đáng kể cho công việc kinh doanh.
Khi làm theo nhóm tức là phải chia sẻ quyền ra quyết định điều hành. Điều này sẽ có thể tạo thành vấn đề nếu một thành viên có đầu óc nhận định, xét đoán kém hay thói quen làm việc không tốt.
Đa số các nhóm trên thực tế sẽ gặp phải những xung đột nghiêm trọng. Điều này có thể liên quan đến kế hoạch quản lý, điều hành sản xuất, hay những mục tiêu trong tương lai. Điều này có thể bắt nguồn từ những cam kết không công bằng về thời gian hay những xung đột cá nhân. Đôi khi những xung đột này được giải quyết, nhưng nhiều khi dẫn đến việc phải bán công ty hay tồi tệ hơn là thất bại.
Điều quan trọng là những doanh nghiệp mới cần phải quan tâm đến những vướng mắc tiềm tàng trong khi nghiên cứu những lợi thế khi làm việc cùng các nhà doanh nghiệp khác nhưng nhìn cung lợi ích của việc hoạt động theo nhóm mang lại lớn hơn là những rủi ro có thể xảy ra.