Tại phần 1 của bài viết chúng tôi đã chia sẻ Kinh nghiệm cần nhớ khi thực hiện ý tưởng kinh doanh nhà trọ cho những ai đang muốn tham khảo để hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh này. Hãy cùng tìm hiểu những kinh nghiệm hữu ích khác ngay sau đây.
4. Tìm kiếm khách hàng
Nhu cầu khách hàng trong lĩnh vực kinh doanh nhà trọ rất lớn, cũng vì vậy mà mức độ cạnh tranh giữa các chủ trọ cực kì cao, trung bình trong bán kính 1km xung quanh trường đại học có tới hơn 30 nơi cung cấp dịch vụ cho thuê phòng. Thế nên, nếu không muốn gặp phải tình trạng “vườn không nhà trống” thì trước khi khu trọ hoàn thiện bạn đã phải thực hiện công tác quảng cáo rồi.
Cách phổ biến nhất là dán tờ rơi gần nơi tập trung nhiều đối tượng khách hàng tiềm năng của bạn, như khu công nghiệp, trường đại học. Cách thứ 2 là tận dụng mạng Internet, đăng bài cho thuê nhà trên Facebook, các trang rao vặt (chotot.com, muabannhadat.vn, phongtro123.com,…). Nếu những cách này vẫn không hiệu quả thì hãy thử liên hệ với các bên trung gian môi giới, chấp nhận chia hoa hồng cho họ nhưng mở rộng được mạng lưới tìm kiếm.
5. Quản lý khách trọ
Một khu trọ chục phòng phải có đến hơn 20 người khách thuê, nếu không muốn xảy ra tình trạng rối loạn, mất an ninh hay phá hoại của chung thì bạn phải có phương án quản lý rõ ràng. Trước tiên là kiểm soát về đối tượng khách thuê, sàng lọc ngay từ ban đầu và chỉ nhận những người tử tế, biết cách sống tập thể. Tiếp theo là đưa ra quy định rõ ràng trong bản hợp đồng về thời hạn, nghĩa vụ của hai bên trong quá trình thực hiện để tránh tranh chấp sau này. Cuối cùng là nội quy khu trọ về giờ giấc, thời gian đóng tiền, dọn vệ sinh,… cùng hình phạt nếu vi phạm, bạn nên để công khai những nội quy này tại nơi bắt mắt dễ nhìn nhất.
Ngoài ra, bạn nên nhắc nhở khách trọ đăng ký tạm trú tạm vắng ngay sau khi họ dọn xong đồ đạc đến phòng mới. Đây vừa là cách quản lý thông tin của họ vừa tránh bị công an phường phạt.
6. Đề phòng rủi ro
Kinh doanh nhà trọ có khá nhiều rủi ro, bạn nên dự tính trước để tìm phương án, tránh lúng túng hoặc mất nhiều thời gian, tiền của khi gặp phải. Những rủi ro này có thể là:
– Khách trọ khất nợ, chậm trả tiền nhà hàng tháng: Thường gặp với khu trọ bình dân nên tốt nhất là thu tiền nhà vào đầu tháng.
– Khách trọ gây ồn, gây rối, sử dụng chất kích thích trong phòng: Quy định rõ trong hợp đồng về trách nhiệm pháp lý của khách và chủ trọ khi gặp các trường hợp này.
– Tai nạn bất ngờ (cháy nổ, chập điện, tắc ống cống, vỡ ống nước,…): Dự tính khoản chi phí đề phòng rủi ro, có quy định về trách nhiệm và điều tra nguyên nhân ngay khi xảy ra tai nạn.
– Vấn đề an ninh (mất trộm đồ,…): Nên quy định về giờ giấc đóng cổng và chìa khóa riêng, nơi giữ xe cần có cổng chắc chắn, ổ khóa cùng tài sản của các phòng quy về cho họ tự bảo quản.
7. Giải quyết khi khách ngừng thuê trọ
Có hai trường hợp xảy ra khi khách ngừng thuê trọ:
– Khách đột ngột trả phòng khi chưa hết hạn hợp đồng: Trong các điều khoản của hợp đồng cần ghi rõ những quy định cho trường hợp này, về mức phạt, tiền cọc,… để đem ra đối chất.
– Khách trả phòng khi hết hạn: Bạn cần kiểm tra lại phòng trước khi khách trả, yêu cầu dọn sạch đồ đạc và đền bù nếu có đồ đạc hư hỏng.
Cho thuê phòng trọ là ý tưởng kinh doanh độc đáo và rất tiềm năng, tuy nhiên để nhanh chóng thu hồi vốn và giảm thiểu rủi ro hãy lập kế hoạch thật chi tiết trước khi bắt đầu.