Kỹ thuật nuôi gà đẻ trứng nhiều – Mô hình làm giàu hiệu quả ở nông thôn

Trong bài viết Kinh doanh gì năm 2021 ở nông thôn, Sapo đã có nhắc đến mô hình làm giàu từ chăn nuôi gà đẻ trứng. Và trong bài viết này mình sẽ đi sâu về cách kinh doanh mô hình này, giúp các bạn nắm được kỹ thuật và cách nuôi gà đẻ trứng nhiều, cho năng suất lợi nhuận cao.

Xem thêm: Cả tá ý tưởng kinh doanh ở nông thôn phát tài năm 2022

Kinh doanh ở nông thôn là hướng đi mới mẻ được nhiều người ấp ủ và thực hiện trong những năm gần đây phù hợp với một đất nước nông nghiệp như Việt Nam. Bên cạnh việc đầu tư vào những loại cây trồng, vật nuôi kinh tế mới thì nhiều người đã làm giàu từ chăn nuôi gà đẻ trứng. Để có được những thành công từ mô hình này đòi hỏi người nuôi cần nắm được những kỹ thuật nuôi gà đẻ trứngcơ bản. Trong bài viết này Blog Sapo sẽ hướng dẫn một số kỹ thuật và cách nuôi gà đẻ trứng nhiều để bạn tham khảo.

ky-thuat-chan-nuoi-ga-de-trung-nhieu-o-nong-thon2

Làm giàu từ chăn nuôi gà đẻ trứng – Mô hình kinh doanh hiệu quả ở nông thôn

Cách nuôi gà đẻ trứng nhiều

Dưới đây là 9 kỹ thuật nuôi gà đẻ trứng bạn cần nhớ và thực hiện, nếu muốn năng suất kinh doanh cao hơn:

  1. Chuyển gà lên chuồng đẻ

Gà khi gần đẻ cần được chăm sóc kĩ càng hơn, khắt khe hơn như cần có không gian rộng thoáng hơn, ánh sáng phù hợp hơn, khẩu phần dinh dưỡng, thực phẩm và nước uống dành riêng cho gà đẻ. Được chăm sóc như vậy thì đàn gà của bạn mới đẻ đều đặn, tỉ lệ trứng đạt chuẩn cao.

Bạn nên thực hiện chuyển gà lên chuồng đẻ cả trống và mái vào chiều mát và hợp nhất là buổi tối, thời gian vận chuyển phải càng nhanh càng tốt vì theo nghiên cứu gà rất dễ bị stress khi bị chuyển sang chuồng trại mới.

Toàn bộ gà trống và mái cần phải được chuyển hết sang chuồng gà đẻ trước khi đẻ 2 tuần để gà có thời gian làm quen với chuồng trại mới, cũng là thời gian để gà phục hồi lại thể trạng, đảm bảo một sức khỏe sinh sản tốt nhất.

Trước khi chuyển gà 2 tuần cần điều chỉnh ánh sáng chuồng cũ tương đương như chuồng mới dành cho gà đẻ để gà thích ứng dần, khi chuyển lên nơi ở mới sẽ quen ngay. Trước khi chuyển 3 ngày, khẩu phần ăn hàng ngày của gà cần được tăng cường nhiều vitamin để cung cấp dinh dưỡng cần thiết ngăn chặn tối đa hiện tượng gà bị stress do chưa quen với nơi ở mới.

Khi mang gà qua chuồng mới, mặc dù là ban đêm nhưng bạn phải chắc chắn là nước và thức ăn đều đã được chuẩn bị sẵn trong máng sạch, chuồng được quét dọn vệ sinh sạch sẽ. Khi gà được chuyển qua sẽ thích nghi nhanh hơn.

  1. Mật độ nuôi phù hợp

Đây là kỹ thuật nuôi gà đẻ trứng khá quan trọng. Gà đẻ cần có một không gian đủ rộng, nếu quá chật chội sẽ khiến sức khỏe của gà không được đảm bảo, gà dễ bị bệnh, khi bị bệnh sẽ lây lan cho cả đàn gây thiệt hại kinh tế lớn cho bạn. Mật độ để máng thức ăn, nước uống cho gà cũng rất quan trọng bởi nếu dày quá sẽ thừa gây lãng phí, nếu thiếu gà sẽ bị đói không đẻ trứng đều và đạt .

Thời tiết và điều kiện môi trường chính là hai yếu tố quyết định tới mật độ nuôi gà, mật độ máng ăn, uống. Nếu mùa đông hanh khô, nuôi sàn bạn nên để mật độ cao, ngược lại thời tiết nóng ẩm, nuôi nền thì mật độ phải dãn ra.

Bạn có thể áp dụng cách chia mật độ theo m2, lý tưởng nhất là khoảng 3- 3,5 con/ m2.

Hoặc chia gà thành các ô nuôi, sau đó cứ 300- 500 con/ô. Cách chia theo ô này cực kỳ khoa học. Vừa để gà không dồn vào một khu vực nào đó quá đông, khiến cho chuồng chỗ thì quá chật, chỗ lại để không. Chia theo ô cũng là cách hay để phân chia thức ăn, nước uống theo máng đều nhau, đảm bảo tất cả đàn gà đều được ăn, uống no đủ. Nếu không chia ô, chỗ đầu chuồng gà thường tập trung đông thì thức ăn,, nước uống tại máng đó sẽ không đủ cung cấp cho gà, gà sẽ bị đói, khát nếu bạn không chú ý.

Mật độ máng ăn, máng nước uống bạn có thể tham khảo cách chia như sau:

ky-thuat-chan-nuoi-ga-de-trung-nhieu-o-nong-thon

Cách nuôi gà đẻ trứng nhiều

Máng ăn, máng uống

Đây là vật dụng đựng thức ăn, nước uống cho gà giống như bát ăn, cốc uống nước của con người chúng ta. Vì vậy máng phải luôn được giữ vệ sinh sạch sẽ hàng ngày, máng đựng thức ăn phải khô ráo.

Vào mùa hè nóng, nhu cầu ăn, uống của gà nhiều hơn nên bạn cần phải cung cấp nhiều máng ăn, đặc biệt là máng uống. Mùa lạnh, khô thì số lượng máng giảm đi.

Tham khảo thêm: Kinh doanh gì ở nông thôn đang là xu hướng làm giàu

  1. Nước uống cho gà đẻ

Một trong những cách nuôi gà đẻ trứng nhiều và năng suất là cung cấp nước uống đầy đủ và sạch sẽ. Rất nhiều người không chú trọng tới vấn đề này, họ cho gà uống nước lã, nước bẩn mà không hề biết rằng đây chính là nguyên nhân gây nên bệnh tật cho gà. Lượng nước hàng ngày gà cần không nhiều, nhưng phải là nước sạch, mát sẽ kích thích gà ăn nhiều hơn, kích thích tiêu hóa tốt hơn.

1000 gà mái đẻ sẽ tiêu thụ lượng nước hàng ngày như sau:

ky-thuat-chan-nuoi-ga-de-trung-nhieu-o-nong-thon1

  1. Thức ăn cho gà

Ngay khi chuyển gà lên chuồng đẻ bạn phải áp dụng ngay chế độ ăn riêng biệt cho gà đẻ, nên thay đổi thức ăn mới, thơm ngon hơn, chứa hàm lượng dinh dưỡng cao hơn để kích thích vị giác của gà, do vận chuyển gà bị stress nên giai đoạn đầu gà sẽ ăn rất ít.

Năng lượng trong khẩu phần ăn hàng ngày của gà tỉ lệ nghịch với nhiệt độ của chuồng. Theo đó nhiệt độ chuồng càng cao thì nhu cầu năng lượng trong thức ăn sẽ thấp đi và ngược lại.

Nhu cầu  Protein và axit amin gà giai đoạn đẻ pha I( 23 – 42 tuần tuổi) lớn hơn giai đoạn II( 43- 68 tuần tuổi) do pha I chính là giai đoạn quyết định khối lượng trứng của gà nhiều hay ít. Do vậy, khi gà chuyển sang giai đoạn pha II, bạn chú ý cắt giảm Protein và axit amin để tránh dư thừa không cần thiết, tiết kiệm chi phí.

Canxi – Photpho:  Nhu cầu canxi tỉ lệ thuận với tuổi của gà và tỷ lệ đẻ, gà càng đẻ nhiều, tuổi càng lớn thì cần nhiều canxi hơn. Còn nhu cầu Photpho thì lại ngược lại với canxi, gà sau thời kỳ đẻ trứng sẽ không hấp thu quá nhiều photpho như ban đầu.

Nguyên tố vi lượng và vitamin: Tỷ lệ ấp nở và nuôi sống gà con có cao hay không chính nhờ ở 2 thành phần dinh dưỡng quan trọng này. Bởi vậy, trong khẩu phần ăn hàng ngày cho gà đẻ bạn cần chú ý bổ sung 2 yếu tố này.

  1. Chăm sóc gà trống

Không có gà trống hoặc trống không khỏe thì đàn gà mái của bạn có đẻ trứng khỏe bao nhiêu cũng chỉ là những quả trứng không trống, trống yếu không thể ấp nở thành công được. Như vậy, đàn gà của bạn không thể nhân giống sang các thế hệ sau.

Chăm sóc gà trống tuy không cần quá cầu kỳ như gà mái, bạn cần chú ý hai điểm sau đây:

Gà trống bắt đầu từ 21- 22 tuần tuổi đã bắt đầu đạp mái, thành thục sớm hơn gà mái. 1/8- 1/9 chính là tỷ lệ ghép trống mái thường gặp.

Gà trống không cần nhiều, nhưng đã chọn thì phải chọn những con giống thật cao to, khỏe. Nếu trong đàn có những con trống ngả màu, yếu, nhút nhát không đạp mái, hay đậu hoặc nằm trên nóc và trong ổ đẻ thì nên loại bỏ. Nếu để lại đàn chỉ làm cản trở những con trống khỏe khác, có thể còn làm vỡ trứng trong ổ, tốn thêm thức ăn, ảnh hưởng kinh tế.

  1. Chuẩn bị Ổ đẻ cho gà

Đây chính là nơi để gà mái đẻ trứng hàng ngày. Muốn gà đẻ nhiều trứng thì bạn phải chuẩn bị ổ đẻ cho đủ để gà không phải tranh nhau, rất dễ làm vỡ và mất trứng do gà đẻ ra nền hoặc đẻ linh tinh. Và nhớ còn phải phân bổ các ổ đẻ sao cho thật đều, tốt nhất là đặt giữa chuồng để gà mái di chuyển từ chuồng tới ổ đẻ dễ dàng hơn.

Ổ đẻ phải được lót bằng rơm khô, luôn được giữ gìn sạch sẽ, khô thoáng nhất đảm bảo trứng không bị tổn thương khi đẻ ra.

Nên đặt cửa vào ổ đẻ hướng về phía có bóng râm sẽ hấp dẫn gà mái vào đẻ nhiều hơn, hạn chế được trường hợp gà đẻ trứng ra nền, ra chuồng rất dễ bị vỡ.

  1. Thu nhặt và bảo quản trứng giống

Trứng giống chính là thành phẩm ban đầu chúng ta thu thập được, dùng để ấp nở ra gà con. Bởi vậy, công đoạn thu nhặt trứng giống phải nên được thực hiện hàng ngày, nếu không có thời gian thì tối đa 4 ngày bạn phải thu 1 lần, tránh để quá lâu mới thu nhặt vì khi gà đẻ quá nhiều có thể bị vỡ, hoặc nhiệt độ quá nóng ảnh hưởng tới chất lượng trứng giống.

Trứng giống sau khi được thu nhặt cần được bảo quản cẩn thận, nhiệt độ lý tưởng là từ 13- 18oC, độ ẩm 75 – 80%, để lâu không quá 7 ngày. Bởi nếu nhiệt độ đạt 24oC thì phôi trứng bắt đầu phát triển, cùng với đó càng để trứng lâu thì tỉ lệ nở của trứng càng giảm. Vì vậy, ngoài việc đảm bảo nhiệt độ và độ ẩm như trên, bạn còn phải chắc chắn không để trứng quá 7 ngày, nên cho ấp để đảm bảo tỉ lệ nở cao nhất.

  1. Ấp bóng của gà

Những chị gà mái nhà bạn bình thường rất chăm chỉ, hiền lành, bỗng một ngày nó cứ nằm bẹp trong tổ, chẳng chịu nhúc nhích, mỗi khi thấy có người đi tới là lại xòe cánh, xù lông như chuẩn bị “chiến đấu”. Đây chính là hiện tượng ấp bóng.

Theo nghiên cứu thì hiện tượng này được giải thích do khi đẻ trứng được khoảng 20 quả, tuyến yên của gà mái tiết ra kích tố thúc tuyến sinh học dẫn tới sự thay đổi lớn trong cơ thể gà mái khiến gà luôn đề cao cảnh giác, tự vệ cao hơn, thân nhiệt tăng, máu trong cơ thể chảy nhanh hơn, lông ở bụng rụng bớt.

Tuy nhiên, cũng còn một số những nguyên nhân bên ngoài ảnh hưởng khiến cho gà mái mắc phải hiện tượng ấp bóng đó là chuồng trại quá chật chội, nhiệt độ quá cao, ổ đẻ quá ít mà chủ nhân lại không thường xuyên thu nhặt trứng khiến gà phải thường xuyên đẻ trứng dưới nền. Hoặc khẩu phần thức ăn hàng ngày không đảm bảo đủ dinh dưỡng, nước uống không sạch hoặc đặt máng nước quá xa.

Hiện tượng này có thể được khắc phục bằng cách tách riêng những con gà mái ấp bóng, kiểm tra lại chuồng trại, thức ăn, nước uống để kịp thời bổ sung. Hoặc kinh nghiệm dân gian truyền lại là bạn treo ổ đẻ của gà ở nơi thông thoáng, lên hàng rào tre thì chỉ vài ngày sau gà sẽ quên ấp bóng.