Bên cạnh chăm sóc da và móng, làm tóc cũng được phái đẹp chi trả một khoản không nhỏ mỗi tháng. Chính vì lý do đó, những năm gần đây, thị trường chứng kiến sự rộng mở và lớn mạnh của nhiều mô hình salon tóc đa dạng từ bình dân đến sang trọng. Nếu bạn đang có ý tưởng mở tiệm làm tóc nhỏ và không biết cần bao nhiêu vốn đầu tư thì bài viết này là dành cho bạn.
Mở tiệm làm tóc quy mô nhỏ không cần quá nhiều vốn, vậy nên bạn cần lên danh sách các chi phí cần thiết & tìm đơn vị cung cấp có mức giá tốt nhất để đặt hàng và thi công. Dưới đây, phần mềm quản lý salon KiotViet sẽ cung cấp một số chi phí cần thiết để mở salon tóc nhỏ giúp các chủ salon dễ dàng lên kế hoạch và chuẩn bị số vốn hợp lý.
1. Chi phí thuê mặt bằng
Đối với tiệm làm tóc có quy mô nhỏ, bạn không cần thiết phải thuê mặt bằng ở vị trí quá đắt đỏ hay diện tích phải thật lớn. Những mặt bằng nhỏ ở trong ngõ hoặc nơi có đông dân cư qua lại phù hợp với quy mô và số vốn đầu tư bạn dự định bỏ ra ban đầu.
Chi phí thuê mặt bằng cũng phụ thuộc vào khu vực như ở thành phố hay nông thôn. Tại thành phố, mặt bằng trong ngõ hay các kiot chung cư có gia thuê dao động khoảng 10 triệu, còn tại nông thôn, bạn hoàn toàn có thể tận dụng mặt bằng sẵn có tại nhà hoặc thuê cửa hàng với giá thành khá mềm, chỉ khoảng 3 đến 5 triệu/tháng.
Mặt bằng tiệm làm tóc nhỏ. Ảnh: Internet
Xem thêm: Sai lầm cần tránh khi thuê mặt bằng kinh doanh
2. Chi phí làm biển quảng cáo
Bạn cũng nên chú trọng đầu tư vào biển quảng cáo ngoài trời vì đấy chính là điểm thu hút khách hàng. Không cần quá cầu kỳ nhưng phải rõ ràng về logo, tên cửa hàng và các dịch vụ nổi bật của salon một cách ngắn gọn, dễ nhớ. Bên trọng cửa hàng cũng cần có biển tên nhỏ ở quầy thu ngân có logo giúp đồng bộ và tạo sự chuyên nghiệp. Chi phí này thường dao động khoảng 1.5 triệu trở lên với các biển quảng cáo nhỏ và đơn giản.
3. Chi phí đầu tư nội thất
Tuy không cần đầu tư quá nhiều, nhưng tiệm làm tóc nhỏ cần có những nội thất cơ bản như: giường gội đầu, gương, ghế ngồi cho khách và nhân viên, tranh trang trí liên quan đến salon tóc, tủ, kệ để đồ,…Chi phí này rơi vào khoảng 30 triệu đồng cho một salon quy mô nhỏ từ 1-2 giường gội và 3 ghế cắt uốn. Hiện nay có rất nhiều đơn vị thi công salon tóc với mẫu mã rất hiện đại, bạn có thể đưa ra ngân sách, đơn vị này sẽ giúp bạn setup một salon cơ bản đầy đủ nội thất cần thiết. Nếu muốn tự sắm đồ, bạn cũng có thể tìm các xưởng nội thất chuyên cung cấp nội thất salon, tự lên ý tưởng và thiết kế theo ý mình. Mua tận xưởng bạn sẽ được đàm phán và mua với giá tốt hơn.
4. Chi phí mua sắm dụng cụ, thiết bị, máy móc
Gương cắt tóc
Tiệm cắt tóc nào cũng cần những tấm gương lớn để thợ tóc và khách có thể quan sát được sự thay đổi khi thực hiện dịch vụ ở tiệm tóc. Nếu có diện tích rộng rãi, mảng tường trống lớn, bạn có thể thiết kế những chiếc gương lớn phủ tường, những chiếc gương này có thể tạo cảm giác cửa hàng rộng rãi hơn. Nếu diện tích nhỏ, những chiếc gương lẻ ở từng vị trí ngồi khá phù hợp. Hiện nay cũng có rất nhiều mẫu mã và kiểu dáng hiện đại giúp bạn có thể dễ dàng thiết kế salon tóc đẹp. Giá của gương salon rất đa dạng, dao động từ 2 đến 10 triệu cho toàn bộ gương tại cửa hàng từ 3 ghế dịch vụ.
Gương lớn sẽ tạo cảm giác không gian salon tóc rộng rãi hơn. Ảnh: Internet
Bộ ghế, giường gội đầu
Tiệm tóc nhỏ chỉ cần 1 đến 2 giường gội đầu vẫn có thể đáp ứng được công suất phục vụ khách hàng. Bộ giường gội đầu sẽ có chi phí đắt hơn, khoảng 10 triệu cho một bộ hoàn chỉnh theo giá thị trường hiện nay. Vậy nên bạn cần cân nhắc đầu tư số lượng hợp lý dựa theo nhân viên, quy mô salon to hay nhỏ để tránh tình trạng sắm rất nhiều nhưng không sử dụng đến.
Máy làm tóc
Để cập nhật và có thể làm được những kiểu tóc hiện đại, máy làm tóc là dụng cụ không thể thiếu tại bất kỳ salon nào. Các loại máy cơ bản bạn cần trang bị cho cửa hàng mình đó là: máy uốn tóc, máy hấp tóc, máy ép/là tóc, máy sấy, các loại lô uốn, kẹp, chổi và dụng cụ làm tóc chuyên nghiệp. Chi phí để sắm các loại máy này khoảng 20 triệu đồng cho bộ dụng cụ xịn, chính hãng và an toàn. Ngoài ra, các bạn cũng có thể tìm mua máy cũ nếu tìm được nguồn cung cấp tin tưởng và chất lượng với giá mềm hơn hoặc mua đồ thanh lý từ các salon khác.
Dụng cụ cắt tóc
Thợ cắt tóc không thể thiếu bộ kéo chuyên dụng, tông đơ hay các loại lược tạo kiểu để có thể hoàn thiện mái tóc đẹp và ưng ý cho khách hàng. Chi phí đầu tư bộ dụng cụ cắt tóc khá mềm, khoảng từ 3 triệu cho bộ dụng cụ xịn và chất lượng.
Dụng cụ làm tóc cơ bản cho salon
5. Chi phí nhập các sản phẩm tạo kiểu và chăm sóc tóc
Bên cạnh các loại máy làm tóc hiện đại, thuốc uốn tóc, nhuộm tóc cũng là chi phí chủ salon cần đầu tư và phải đảm bảo chất lượng cho khách hàng. Khách hàng luôn quan tâm đến việc salon dùng thuốc gì, có an toàn và chất lượng hay không. Đây cũng là chi phí các salon cần duy trì hàng tháng. Chi phí cho mỗi lần nhập thuốc sẽ từ 3 đến 5 triệu đồng.
Các sản phẩm chăm sóc tóc như dầu gội, dầu xả, kem ủ, hấp tóc hay các loại dưỡng tóc cũng là chi phí các chủ salon cần quan tâm. Có rất nhiều sản phẩm từ các thương hiệu khác nhau, chủ salon nên lựa chọn một vài sản phẩm thương hiệu bình dân để phù hợp với khách hàng có nhu cầu cơ bản và một vài sản phẩm cao cấp để khách hàng có thể lựa chọn. Nhiều khách hàng sẵn sàng chi trả nhiều tiền hơn để có thể sử dụng các loại sản phẩm cao cấp và chất lượng hơn. Chi phí nhập sản phẩm chăm sóc tóc rất mềm, chỉ từ 200.000đ cho một bộ cơ bản.
6. Chi phí học đào tạo
Nếu bạn chưa có nhiều kinh nghiệm để có thể tự làm tất cả mọi việc trong salon tóc, bạn nên đầu tư một khóa học đào tạo nghề để có thể nắm bắt được những kỹ thuật cơ bản & nâng cao giúp bạn thành thạo hơn khi làm nghề & đào tạo nhân viên đúng chuẩn. Trung bình khóa học nghề tóc có học phí khoảng 5 triệu hoặc hơn đối với các khóa chuyên sâu hơn.
7. Chi phí thuê nhân viên
Dù là salon nhỏ nhưng bạn vẫn cần phải tuyển thêm thợ phụ để giúp tiết kiệm thời gian trong các bước thực hiện dịch vụ cho khách hàng. Lương của thợ phụ cũng không quá cao, chỉ từ 4 triệu đến 5 triệu/người. Bạn có thể thuê làm thay ca hoặc làm full ngày tùy theo lượng khách đến cửa hàng vào thời điểm nào đông nhất.
Thợ phụ sẽ giúp chủ tiệm tóc chia sẻ công việc & tôi ưu thời gian của khách hàng khi sử dụng dịch vụ
8. Chi phí quảng cáo, truyền thông
Nếu không có lợi thế về vị trí và địa điểm, truyền thông quảng cáo là vũ khí bí mật giúp salon tóc của bạn được biết đến rộng rãi hơn. Các kênh quảng cáo hiệu quả và phổ biến hiện nay bạn có thể tham khảo như: Facebook, trang Facebook cá nhân, Instagram, Tiktok,…Khi mới khai trương, bạn có thể thuê KOLs nổi tiếng trên TikTok hoặc Youtube reiview quán của mình, chắc chắn sẽ có hiệu ứng rất lớn & thu hút khách hàng hiệu quả.
Xem thêm: Mẫu STT hài hước, ấn tượng cho salon tóc hút khách hiệu quả
9. Chi phí cố định hàng tháng
Ngoải ra, các chủ salon cũng cần chuẩn bị các chi phí phải trả cố định hàng tháng như: tiện điện, tiền nước, mạng Internet, nộp các loại thuế (nếu có), và một ít vốn dự trù cho các khoản phát sinh khác.
10. Chi phí mua phần mềm quản lý salon tóc
Salon tóc nhỏ muốn tiết kiệm thời gian tính toán doanh thu, chi phí, vốn nhập hàng, tính lương cho nhân viên hàng tháng hay thanh toán cho khách không lo nhầm lẫn, sai sót nên sử dụng phần mềm quản lý salon tóc chuyên nghiệp. Chỉ cần bỏ ra 6000đ/ ngày chủ salon đã có thể tiết kiệm lên tới 90% thời gian cho các công việc tính toán và quản lý.
Khám phá ngay: Phần mềm quản lý salon tóc miễn phí dùng thử
Kết luận: Như vậy, chi phí để mở tiệm làm tóc nhỏ sẽ khoảng từ 50 triệu đồng đến 80 triệu đồng tùy vào giá thực tế bạn nhập các loại máy móc, dụng cụ và sản phẩm khác nhau. Hi vọng, bài viết này sẽ giúp bạn trả lời được câu hỏi mở tiệm làm tóc nhỏ cần bao nhiêu vốn để có kế hoạch đầu tư cụ thể. Đọc thêm nhiều thông tin hữu ích khác TẠI ĐÂY.