Quy định về giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% đã hết hiệu lực kể từ ngày 31/12/2022. Vậy mức thuế VAT chủ cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống phải nộp trong năm 2023 là bao nhiêu? Theo dõi ngay trong bài viết dưới đây!
1. Thuế VAT là gì?
Thuế giá trị gia tăng (VAT – Value Added Tax), trước đây còn gọi là Thuế trị giá gia tăng là một dạng của thuế thương vụ và là một loại thuế gián thu được đánh vào người tiêu dùng cuối cùng, mặc dù chủ thể đem nộp nó cho cơ quan thu là các doanh nghiệp. Hiểu đơn giản, người sử dụng dịch vụ ăn uống là người phải nộp thuế VAT trên mỗi hóa đơn, còn chủ kinh doanh sẽ có nghĩa vụ nộp lại thuế VAT này cho các cơ quan có thẩm quyền.
Do VAT có mục đích là một khoản thuế đối với việc tiêu thụ, cho nên hàng xuất khẩu (theo định nghĩa này thì người tiêu dùng ở nước ngoài) thường không phải chịu thuế VAT hoặc cách khác, VAT đối với người xuất khẩu được hoàn lại (Theo Wikipedia).
2. Mức thuế giá trị gia tăng (VAT) năm 2023 là bao nhiêu?
Kể từ ngày 01/02/2022, Nghị định 15/2022/NĐ-CP quy định về chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội có hiệu lực thi hành. Theo đó, thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% sẽ được giảm còn 8%. Tuy nhiên, cũng theo khoản 1 Điều 3 của Nghị định 15/2022/NĐ-CP chính sách này chỉ có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2022. Chính vì vậy, kể từ ngày 1/1/2023, mức thuế VAT sẽ trở về mức thuế suất cũ là 10%.
Xem thêm: Giải đáp các câu hỏi về thuế sàn TMĐT dành cho người bán
3. Một số câu hỏi về các loại thuế suất doanh nghiệp F&B phải nộp
3.1 Có những loại thuế suất nào đối với ngành kinh doanh dịch vụ ăn uống?
Thuế suất cố định
Là hình thức thuế suất được ban hành và cấp phép bởi cơ quan có thẩm quyền và có giá trị cố định, đơn vị tính được quy định.
VD: Thuế môn bài, thuế đất đai,…
Thuế suất lũy tiến
Là hình thức thuế suất có thể thay đổi giá trị và khi căn cứ vào việc tính thuế sẽ đi theo hướng tăng dần. Cho nên mỗi hình thức thuế suất khác nhau sẽ được áp dụng theo các mức giá trị khác nhau.
Ví dụ: Thuế thu nhập cá nhân,…
Thuế suất lũy thoái
Là hình thức thuế suất mang tính chất đối lập với thuế suất lũy tiến. Nó có nghĩa là khi căn cứ tính thuế thay đổi sẽ đi theo hướng tăng lên với mức thuế suất sẽ giảm đi.
Ví dụ: Bảo hiểm an sinh xã hội của nhân viên,…
Thuế suất tỷ lệ
Là hình thức thuế suất được quy định dưới dạng đơn vị tính tỷ lệ % cố định cứ tính thuế.
Ví dụ: Thuế giá trị gia tăng,…
3.2 Hóa đơn đã lập vào năm 2022 thì tính mức thuế VAT là 8% hay 10%
Mức thuế VAT năm 2023 của hàng hóa, dịch vụ miễn giảm còn 8% sẽ trở lại mức 10% như quy định cũ từ 01/01/2023. Nên với hợp đồng, đơn hàng được ký kết hay lập hóa đơn vào năm 2022 và hoàn thành năm 2023 thì:
Thời điểm lập, xuất hóa đơn là thời điểm chọn mức VAT áp dụng. Lập hóa đơn vào năm 2023 thì áp dụng mức VAT 10%, còn lập hóa đơn năm 2022 thì áp dụng VAT mức 8%.
Mức VAT áp dụng khác với thỏa thuận hợp đồng thì các bên cần ký phụ lục sửa đổi, bổ sung hợp đồng.
3.3 Có những mức thuế suất giá trị gia tăng nào?
Hiện tại đang có 3 mức thuế suất giá trị gia tăng áp dụng với các nhóm ngành hàng kinh doanh khác nhau.
Mức thuế giá trị gia tăng 0%
Mức thuế này áp dụng với các hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu. Đây là hàng hóa, dịch vụ được tiêu dùng ở ngoài Việt Nam, trong khu phi thuế quan; hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho khách hàng nước ngoài theo quy định của Chính phủ.
Mức thuế giá trị gia tăng 5%
Những hàng hóa áp dụng mức thuế VAT là 5% bao gồm: nước sạch phục vụ sinh hoạt, các dịch vụ sản xuất phục vụ nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi chưa chế biến thành thành phẩm khác, thiết bị, dụng cụ y tế, giáo cụ phục vụ học tập, giảng dạy, các dịch vụ văn hóa nghệ thuật, đồ chơi trẻ em, sách trừ một số loại sách khác được quy định, mua bán, cho thuê nhà ở,…
Mức thuế giá trị gia tăng 10%
Mức thuế này áp dụng với các nhóm hàng hóa, dịch vụ còn lại. Như vậy, ngành kinh doanh dịch vụ ăn uống đang được áp dụng mức thuế VAT là 10% theo quy định.
3.4 Tính số thuế giá trị gia tăng phải nộp như thế nào?
Hiện nay, để xác định số thuế GTGT phải nộp, cần áp dụng công thức tại khoản 1 Điều 12 Thông tư 219/2013/TT-BTC như sau:
Số thuế GTGT phải nộp = Số thuế GTGT đầu ra – Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ
Trong đó:
– Số thuế GTGT đầu ra bằng tổng số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ bán ra ghi trên hóa đơn GTGT.
– Thuế GTGT ghi trên hóa đơn = Giá tính thuế của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế bán ra x Thuế suất thuế GTGT
– Thuế GTGT đầu vào bằng tổng số thuế GTGT ghi trên hóa đơn GTGT mua hàng hóa, dịch vụ (bao gồm cả tài sản cố định).
Ví dụ: Trong kỳ tính thuế quý 4.2021, công ty A có tổng số thuế GTGT đầu ra ghi trên hóa đơn bán ra là: 10.000.000đ và tổng số thuế GTGT đầu vào ghi trên hóa đơn GTGT mua hàng hóa, dịch vụ là: 6.000.000đ.
Như vậy, số thuế GTGT phải nộp = 10.000.000đ – 6.000.000đ = 4.000.000đ.
Xem thêm: Mô hình kinh doanh FnB tiềm năng 2023
3.5 Mặt hàng thực phẩm chịu thuế suất bao nhiêu?
Tại Điều 2.5, Điều 2.7 mục II phần B của Thông tư số 129/2008/TT-BTC ban hành ngày 26/12/2008, Bộ Tài Chính đã quy định thực phẩm tươi sống chưa qua chế biến trong kinh doanh, thương mại sẽ áp mức thuế suất GTGT 5%.
Kết luận: Như vậy, mức thuế VAT (giá trị gia tăng) được áp dụng trong năm 2023 là 10%. Hi vọng thông tin trong bài viết sẽ có thể giúp ích cho các chủ quán để có thể nắm rõ và kinh doanh hiệu quả hơn. Đọc thêm các tin tức khác TẠI ĐÂY.