Nguyên tắc SMART là gì? Cách xác định và ứng dụng mô hình SMART trong kinh doanh

Nguyên tắc SMART là khái niệm đặc biệt không chỉ được ứng dụng trong cuộc sống mà còn đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động kinh doanh. Vậy trên thực tế, mô hình SMART là gì và làm thế nào để ứng dụng mô hình này trong kinh doanh một cách hiệu quả? Hãy cùng Sapo.vn tìm hiểu ngay trong những chia sẻ dưới đây. 

1. Nguyên tắc SMART là gì?

Nguyên tắc SMART được cấu thành từ 5 yếu tố chính: 

  • Specific: Tính cụ thể
  • Measurable: Đo lường được
  • Achievable: Có thể đạt được
  • Relevant: Tính liên quan
  • Time bound: Thời hạn để đạt được mục tiêu

Mô hình SMART được thiết lập để đưa ra mục tiêu rõ ràng, cụ thể, giúp chủ kinh doanh có thể đưa ra hướng đi phù hợp, lên kế hoạch sử dụng nguồn lực hợp lý, từ đó tăng hiệu quả thành công trong kinh doanh. 

nguyên tắc smart

1.1 Specific – Tính cụ thể

Đối với việc vận dụng nguyên tắc SMART trong kinh doanh, bạn cần phải đảm bảo được rằng mục tiêu là rõ ràng và cụ thể. Điều này không chỉ giúp bạn có một định hướng chi tiết mà còn là cơ sở để bạn có thể dựa vào để triển khai. Hãy bắt đầu bằng những câu hỏi thật rõ ràng:

  • Bạn muốn đạt được điều gì khi triển khai kế hoạch kinh doanh này?
  • Đâu là những người sẽ cùng bạn thực hiện mục tiêu này? 
  • Nguồn lực liên quan

Ví dụ, trong một chiến dịch của hoạt động kinh doanh, mục tiêu, mục đích của bạn cần được xác định rõ xem đích đến cuối cùng là doanh thu hay việc phủ rộng thương hiệu. Dựa vào điều này, bạn có thể lên kế hoạch cho nguồn lực, chi phí và nhân sự cho chiến dịch này là nhân viên bán hàng hay nhân viên Marketing. Cùng với đó là chi phí sẽ được phân bổ là chi phí bán hàng, chi phí thuê mặt bằng hay chi phí quảng cáo. 

1.2 Measurable – Đo lường được

Mục tiêu về con số là yếu tố tiên quyết đối với một chiến dịch dù bạn có đang áp dụng nguyên tắc SMART hay không. Theo đó, bạn cần phải vạch ra được mục tiêu có thể đo lường được để đảm bảo khả năng theo dõi tiến trình của chiến dịch. Điều này sẽ giúp bạn có thể đưa ra được những điều chỉnh, cải thiện kịp thời cho chiến dịch hay hoạt động kinh doanh của mình. 

Ví dụ trong 1 chiến dịch ra mắt sản phẩm mới, mục tiêu của bạn đặt ra là phát được 200 mẫu thử/ ngày ở 1 kiot thì bạn sẽ cần xác định được những phương thức truyền thông để đưa được khách hàng đến với gian hàng của bạn. Cùng với đó là chi phí cho việc in ấn tờ rơi hay thuê mặt bằng, kiot để thực hiện chiến dịch này. 

1.3 Achievable – Khả năng đạt được

Mục tiêu của bạn khi thực hiện 1 chiến dịch cần đảm bảo về khả năng có thể đạt được hay có thể nói là tính khả thi. Đưa ra một chiến lược tốt và một mục tiêu phù hợp là yếu tố giúp bạn có thể xác định được hiệu quả của chiến dịch cũng như những điều cần làm để hoàn thành được mục tiêu đã đặt ra. Đừng đưa ra những mục tiêu quá xa vời, hãy cố gắng dựa vào tình hình thực tế để xác định mục tiêu và định hướng của bạn. 

nguyên tắc smart

Ví dụ với cùng chiến dịch trên, kiot của bạn được đặt ở khu dân cư nhưng người dân ở đây hầu hết là cán bộ viên chức về hưu và sản phẩm mới mà bạn muốn truyền thông là mỹ phẩm.

Khi này, nếu lượng mẫu thử bạn đặt ra là 300/ 800 hộ dân là điều không quá khó nhưng nếu con số mà bạn đặt ra là 1000/ 800 hộ dân thì đây là yếu tố bạn cần cân nhắc để điều chỉnh mục tiêu.

Hoặc bạn cần phải thay đổi cách làm, phương thức truyền thông cũng như mở rộng khu vực hoạt động để đảm bảo mục tiêu đặt ra. Đó là lý do mà khả năng đạt được là điều vô cùng quan trọng khi bạn đưa ra một mục tiêu. 

1.4 Relevant – Tính liên quan

Đối với tính liên quan trong nguyên tắc SMART, mục tiêu đặt ra phải có liên quan mật thiết tới định hướng phát triển. Điều này cũng đồng nghĩa với việc công việc của nhân viên, mục tiêu của các dự án hay kế hoạch Marketing cũng phải sát sao với mục tiêu chung của doanh nghiệp. 

1.5 Time Bound – Thời hạn để đạt được mục tiêu

Mục tiêu đặt ra cho mọi chiến dịch đều cần phải có kế hoạch về thời gian thực hiện cũng như thời hạn hoàn thành. Đây là cơ sở để bạn có thể sắp xếp được việc triển khai các bước cũng như tập trung và dành thời gian để hướng tới mục tiêu cuối cùng. 

mô hình smart

Ví dụ, đối với chiến dịch ra mắt sản phẩm mới ở trên, để có thể triển khai được buổi ra mắt và trưng bày sản phẩm, bạn cần đặt ra thời gian hoàn thành của từng công việc cụ thể như POSM, thời gian hoàn thành hoạt động truyền thông. Bạn cần phải tuân thủ thời hạn đã đặt ra để có thể hoàn thành được mục tiêu cuối cùng. 

2. Ví dụ về cách xác định nguyên tắc SMART trong kinh doanh 

2.1 Ví dụ về tăng doanh thu bán hàng

Đối với hoạt động kinh doanh, mục tiêu tăng doanh thu bán hàng cần được xác định rõ theo từng tiêu chí của nguyên tắc SMART như sau:

  • S: Tăng doanh thu bán hàng cho cửa hàng
  • M: Tăng doanh thu bán hàng lên 300 triệu đồng
  • A: Tăng doanh thu dựa trên nguồn lực hiện tại và điều chỉnh các chiến dịch Marketing một cách hợp lý
  • R: Tăng doanh thu để đảm bảo khả năng xoay vòng vốn cho cửa hàng
  • T: Doanh thu cần tăng sẽ được thực hiện trong tháng 4

2.2 Ví dụ về tối ưu chi phí

Mục tiêu tối ưu chi phí theo nguyên tắc SMART cần được thực hiện như sau:

  • S: Giảm chi phí kinh doanh, vận hành của cửa hàng
  • M: Tối ưu ít nhất 5% chi phí so với cùng kỳ năm ngoái
  • A: Tối ưu chi phí bằng cách cắt giảm nhân sự, tối ưu nhiều nghiệp vụ bằng phần mềm quản lý
  • R: Tối ưu ít nhất 5% chi phí nhằm đảm bảo khả năng phục hồi sau dịch cho cửa hàng
  • T: Việc tối ưu chi phí cần được thực hiện từ tháng 5 sau khi đã tính toán kỹ càng về những chi phí cần cắt giảm. 

Trên đây là những yếu tố quan trọng về nguyên tắc SMART mà chủ kinh doanh cần nắm vững. Sapo hy vọng rằng những chia sẻ trên của chúng tôi có thể giúp bạn tối ưu hoạt động kinh doanh và vận hành một cách hiệu quả nhất.

Xem thêm: 

  • 9 bước lập kế hoạch kinh doanh hoàn hảo cho người mới
  • SWOT là gì? Áp dụng mô hình SWOT trong kinh doanh như thế nào?