Đây là một trong những chủ đề được nhiều người quan tâm đến khi khởi nghiệp nói chung và ngành F&B nói riêng. Có vô vàn mô hình khởi nghiệp khác nhau với đa dạng sản phẩm nhưng tại sao lại là cà phê mà không phải thứ khác, nó có những thuận lợi nào? Hãy cùng KiotViet tìm hiểu ngay tại đây!
1. Xuất phát từ “văn hóa” cà phê của người Việt
Cái hương cà phê đậm đà đã trở thành một lối sống quen thuộc mỗi ngày của người Việt. Dân ta có phong cách uống cà phê rất riêng, không coi nó là thức uống nhanh, có tác dụng chống buồn ngủ mà thưởng thức cà phê như một thứ văn hóa: nhâm nhi, suy ngẫm và kết nối. Ngồi bên tách cà phê, chúng ta vừa nhấp ngụm nhỏ vừa trò chuyện cùng bạn bè, cùng đối tác làm ăn… hay đơn giản là ngồi làm việc, đọc sách, nghe nhạc và ngẫm nghĩ về cuộc sống về con người,…
Ngày nay, có thể nói “ Cà phê” vô tình trở thành từ để chỉ chung cho tất cả những loại thức uống không cồn. Dù bạn có đi uống trà sữa, hay những thức uống khác thì vẫn gọi là đi cà phê. Ta có thể thấy rằng đa số các quán cà phê đều luôn đông khách trên khắp các con đường trong thành phố bởi nhu cầu của người dân là rất lớn. Với ai đang có ý định lập nghiệp, mở quán cà phê là sự lựa chọn hợp lý.
2. Có nhiều tấm gương thành công nên càng nhiều người muốn mở
Đặng Lê Nguyên Vũ tấm gương truyền lửa cho giới khởi nghiệp Việt
Quả thực đúng như vậy, có rất nhiều những tấm gương đã thành công từ việc khởi nghiệp từ cà phê mà nhiều người có thể học tập và làm theo, điển hình là câu chuyện khởi nghiệp của ông Đặng Lê Nguyên Vũ – chủ của thương hiệu cà phê Trung Nguyên
Năm 1996, trong bước đầu tiên trong sự nghiệp, ông cùng 3 người bạn đã thực hiện ước mơ bằng cách lập nên một quán cà phê nhỏ mang tên “Hãng Cà phê Trung Nguyên”. Lúc đó số vốn ban đầu của ông chỉ có 100.000 VNĐ và một chiếc xe đạp cũ, ông đi khắp nơi để thu mua cà phê về chế biến. Nhiều người trong nghề đã cười nhạo khi thấy ý tưởng kinh doanh này của ông. Nhưng không để ý điều đó, ông vẫn vững tin vào đam mê của mình.
Cùng với sự tâm huyết với cà phê và sự nỗ lực không ngừng nghỉ, năm 2005, hãng cà phê Trung Nguyên đã trở thành nhà chế biến cà phê lớn nhất Việt Nam. Đến năm 2010, sản phẩm cà phê Trung Nguyên đã tự hào là đối tác xuất khẩu của hơn 60 quốc gia. Ngoài ra, năm 2012 Đặng Lê Nguyên Vũ lần đầu lần đầu tiên được vinh danh là “Vua Cà phê Việt” trên tạp chí National Geographic Traveller.
Câu chuyện khởi nghiệp của hãng cà phê Trung Nguyên đã tạo ra một khuynh hướng khởi nghiệp cho giới trẻ Việt Nam. Đây được coi là một tấm gương hoàn hảo nhất cho những người khởi nghiệp từ cà phê học hỏi và noi theo.
3. Có thể tạo nên một mô hình quán cafe độc đáo theo cách của bạn
Sở hữu một quán cà phê của riêng mình cho phép bạn có thể sáng tạo mọi thứ với những ý tưởng độc đáo của bản thân. Một không gian thiên nhiên hay nghệ thuật, ấm cúng hay cổ kính,… đều có thể thực hiện được tùy vào sở thích của mình.
Có một quán cà phê mang “chất riêng” của bản thân luôn là mục đích và ước mơ của nhiều người mới khởi nghiệp. Không bó buộc vào một khuôn khổ nào đó, sự sáng tạo của bản thân đôi khi đem lại những cảm giác, trải nghiệm mới lạ cho khách hàng của mình. Quán cà phê càng sáng tạo, càng chất thì khả năng nổi tiếng càng cao và sẽ trở thành một điểm hẹn của rất nhiều người.
Ngoài ra, sự sáng tạo của quán cà phê còn thể hiện bởi thức uống mà bạn lựa chọn. Nhiều quán cà phê đã nổi tiếng nhờ sở hữu những đồ uống chất nhất mà không nơi nào có. Bạn có thể kết hợp rất nhiều đồ uống khác nhau cho quán của mình, tuy nhiên hãy làm chúng trở nên chất lượng và độc nhất.
4. Có nhiều mô hình kinh doanh phù hợp với số vốn hiện có
Hãy tạo một chất riêng cho quán cà phê của bạn
Nếu có số vốn tiền tỷ, bạn có thể tạo một thương hiệu riêng, nhưng với số vốn chỉ vài triệu bạn cũng có thể mở một quán cà phê nho nhỏ của mình. Kinh doanh quán cà phê có muôn vàn mô hình bán hàng khác nhau mà bạn có thể tự do lựa chọn sao cho phù hợp với tiềm lực hiện có.
Nhiều hình thức phổ biến có thể phân chia theo mục đích phục vụ như: bán hàng tại chỗ, mang đi, bán online,… hay theo địa điểm: vỉa hè, bán dạo, chuỗi cửa hàng,… hay dựa vào những chất riêng cùng sự sáng tạo như: quán cà phê âm nhạc, cà phê thú cưng, cà phê sách,…
Nếu có sẵn tiềm lực về mặt bằng và nguồn vốn thì chuyện kinh doanh sẽ đơn giản hơn bao giờ hết, bạn có thể thỏa sức sáng tạo các mô hình kinh doanh mà bạn mong muốn. Ngay cả không có nhiều vốn cũng như hạn chế về không gian cũng không sao, bạn hoàn toàn có thể lựa chọn hình thức bất kỳ phù hợp với điều kiện hiện có. Quan trọng nhất và quyết định hoàn toàn đến sự thành đạt của bạn vẫn là ý chí và cái tâm với cái nghề mà bạn chọn.