Thuế thu nhập cá nhân là khoản thu bắt buộc được quy định rõ ràng, là nghĩa vụ phải thực hiện của các chủ thể thuộc đối tượng đóng thuế theo quy định. Vậy thuế thu nhập cá nhân trên thực tế là gì và đâu là cách tính thuế thu nhập cá nhân chính xác nhất theo quy định hiện hành?
1. Thuế thu nhập cá nhân là gì?
Thuế thu nhập cá nhân trên thực tế là khoản tiền mà người có thu nhập cần trích nộp trong một phần tiền lương hoặc từ các nguồn thu khác vào ngân sách nhà nước sau khi đã được giảm trừ.
Thuế thu nhập cá nhân sẽ không đánh vào những người có thu nhập thấp. Vì vậy, khoản thu này sẽ công bằng với mọi đối tượng bên trong, góp phần làm giảm khoảng cách chênh lệch giữa các tầng lớp trong xã hội.
Có 2 đối tượng cần phải nộp thuế thu nhập cá nhân là cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú tại Việt Nam có thu nhập chịu thuế.
- Cá nhân cư trú: Thu nhập chịu thuế là khoản phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam không phân biệt nơi trả thu nhập
- Cá nhân không cư trú: Thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh tại Việt Nam không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập
1.1 Cá nhân cư trú
Cá nhân cư trú là người thuộc các trường hợp sau:
- Có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở với thời hạn của các hợp đồng thuê từ 183 ngày trở lên trong năm tính thuế.
- Hoặc có nơi ở thường xuyên theo quy định của pháp luật về cư trú. Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong 1 năm dương lịch hoặc 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Trong đó ngày đến và ngày đi được tính là 01 ngày.
1.2 Cá nhân không cư trú
Người nước ngoài không đáp ứng đủ điều kiện của cá nhân cư trú thì được xác định là cá nhân không cư trú. Cá nhân không cư trú sẽ không được tính giảm trừ gia cảnh nên chỉ cần có thu nhập chịu thuế sẽ phải nộp thuế thu nhập ( thu nhập chịu thuế >0 mới phải nộp thuế).
Theo đó, chỉ cần có thu nhập từ tiền lương, tiền công sẽ phải nộp thuế với mức thuế suất là 20%/ thu nhập chịu thuế; trường hợp có đóng góp từ thiện, khuyến học, nhân đạo, khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện theo quy định thì được trừ khoản này.
2. Cách tính thuế thu nhập cá nhân
2.1 Đối với cá nhân cư trú
- Cách tính thuế TNCN đối với nhân viên ký HĐLĐ từ 3 tháng trở lên:
Các nhân viên ký HĐLĐ từ 3 tháng trở lên thì thực hiện tính thuế TNCN theo biểu lũy tiến từng phần:
Thuế TNCN phải nộp = Thu nhập tính thuế x Thuế suất
Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế – Các khoản giảm trừ
Trong đó: Thu nhập chịu thuế = Tổng lương nhận được – Các khoản miễn thuế
* Tổng lương nhận được: Là toàn bộ khoản thu nhập mà người lao động nhận được trong kỳ (tháng) tính thuế. Gồm lương + Phụ cấp và các khoản bổ sung khác (bao gồm cả thưởng lễ tết,… trả vào tháng nào thì tính vào thu nhập chịu thuế của tháng đó).
* Các khoản được miễn thuế: Tiền phụ cấp ăn trưa, giữa ca, phụ cấp điện thoại, phụ cấp trang phục, làm thêm giờ, phúc lợi, công tác phí, tiền thuê nhà được người lao động trả thay (miễn phần vượt quá 15%).
- Đối với khoản phụ cấp xăng xe, chi phí đi lại: Theo Công văn số 2192/TCT-TNCN của Tổng Cục Thuế về khoản khoán chi xăng xe theo mức cố định hàng tháng cho nhân viên. Chi phí xăng xe cho người lao động theo mức cố định hàng tháng để phục vụ cho việc đi lại của cá nhân, không phải đi công tác thì khoản khoán chi phí xăng xe này không được miễn thuế TNCN. Nghĩa là:
- Nếu phụ cấp xăng xe, chi phí đi lại thuộc về công tác phí thì được Miễn thuế TNCN
- Còn nếu khoản tiền phụ cấp xăng xe, phụ cấp đi lại được hưởng cố định hàng tháng trên bảng lương thì khi nhận khoản tiền này sẽ bị tính vào thu nhập chịu thuế khi tính thuế TNCN (nghĩa là không được miễn thuế)
- Theo Công văn số 90748/CT-TTHT ngày 4/12/2019 của Cục Thuế TP. Hà Nội về chính sách thuế TNCN thì trường hợp người lao động nhận được khoản trợ cấp tiền đi lại từ nhà đến nơi làm việc thì đây là các khoản thu nhập phải chịu thuế TNCN. Hiện nay, tại điểm 5 khoản 4 Điều 11 Thông tư 92/2015/TT-BTC miễn thuế TNCN đối với khoản chi cho phương tiện phục vụ đưa đón người lao động từ nhà đến nơi làm việc.
* Các khoản giảm trừ được quy định tại Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BCTC như sau:
- Giảm trừ gia cảnh: Gồm bản thân và người phụ thuộc
- Bản thân người nộp thuế (người lao động có thu nhập): Được giảm 11 triệu/ người/ tháng
Lưu ý: Khoản giảm trừ bản thân 11 triệu này không cần đăng ký. Nếu người lao động làm việc tại nhiều nơi thì chỉ được lựa chọn 1 nơi để tính giảm trừ bản thân.
- Người phụ thuộc: Được giảm 4,4 triệu/ người/ tháng
Lưu ý: Phải được đăng ký với Thuế. Người phụ thuộc là người nộp thuế phải trực tiếp nuôi dưỡng (con, bố mẹ,…)
- Các khoản bảo hiểm bắt buộc: Các khoản bảo hiểm đang tham gia: BHXH, BHYT, BHTB, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành, nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc, Quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện sẽ được giảm trừ khi tính thuế TNCN.
- Nếu trong kỳ người nộp thuế đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học thì cũng được trừ những phải có giấy chứng nhận của các tổ chức.
* Thuế suất để tính thuế thu nhập cá nhân là thuế suất theo biểu lũy tiến từng phần, nghĩa là tính theo từng Bậc thu nhập, mỗi Bậc thu nhập có một mức thuế suất tương ứng được quy định rõ tại Khoản 2 Điều 7 và Phụ lục 01/PL-TNCN như sau:
- Cách tính thuế TNCN với nhân viên ký HĐLĐ dưới 3 tháng
Khấu trừ 10%: Dành cho không ký hợp đồng lao động (theo hướng dẫn tại điểm c, d, Khoản 2, Điều 2 Thông tư 111) hoặc ký HĐLĐ dưới 03 tháng có tổng mức trả thu nhập từ 2 triệu (2.000.000) đồng/ lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân.
Trong trường hợp cá nhân chỉ có duy nhất thu nhập thuộc đối tượng phải khấu trừ thuế theo tỷ lệ nêu trên nhưng ước tính tổng mức thu nhập chịu thuế của cá nhân sau khi giảm trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế thì cá nhân có thu nhập làm cam kết (Cam kết 08/CK-TNCN) gửi tổ chức trả thu nhập để tổ chức trả thu nhập làm căn cứ tạm thời chưa khấu trừ thuế TNCN.
Căn cứ vào cam kết của người nhận thu nhập, tổ chức trả thu nhập không khấu trừ thuế. Kết thúc năm tính thuế, tổ chức trả thu nhập vẫn phải tổng hợp danh sách và thu nhập của những cá nhân chưa đến mức khấu trừ thuế và nộp cho cơ quan thuế. Cá nhân làm cam kết phải chịu trách nhiệm về bản cam kết của mình, trường hợp phát hiện có sự gian lận sẽ bị xử lý theo quy định của Luật quản lý thuế.
* Lưu ý:
– Đối với cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên thì tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện khấu trừ thuế theo Biểu thuế lũy tiến từng phần, kể cả trường hợp cá nhân ký hợp đồng từ 3 tháng trở lên tại nhiều nơi.
– Đối với cá nhân cư trú ký HĐLĐ từ 3 tháng trở lên những nghỉ làm trước khi kết thúc HĐLĐ thì tổ chức, cá nhân trả thu nhập vẫn thực hiện khấu trừ thuế theo Biểu thuế lũy tiến từng phần.
2.2 Đối với cá nhân không lưu trú
Khoản 1, Điều 18 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định số thuế thu nhập đối với cá nhân không cư trú được tính theo công thức sau:
Thuế TNCN phải nộp = 20% x Thu nhập chịu thuế
Thu nhập chịu thuế trong trường hợp này được xác định chính bằng tổng tiền lương, tiền thù lao, tiền công, các khoản thu nhập khác có tính chất tiền công, tiền lương mà người nộp thuế nhận được trong kỳ tính thuế.
Thu nhập chịu thuế của cá nhân không cư trú được xác định như quy định thu nhập chịu thuế trừ đi tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú. Cụ thể:
- Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế đối với thu nhập trừ tiền lương, tiền công là thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập.
- Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế đối với khoản tiền phí mua sản phẩm bảo hiểm có tích lũy là thời điểm doanh nghiệp bảo hiểm, công ty quản lý quỹ hưu trí tự nguyện trả tiền bảo hiểm.
Sapo hy vọng rằng những chia sẻ trên của chúng tôi có thể giúp bạn hiểu rõ Thuế TNCN là gì và đâu là những yếu tố quan trọng mà bạn cần nắm vững để tính Thuế TNCN một cách chính xác nhất.
Xem thêm:
- Thuế thu nhập doanh nghiệp là gì? Thủ tục kê khai và quyết toán thuế
- Thủ tục và điều kiện hoàn thuế GTGT đầy đủ nhất