Bất động sản Hồ Chí Minh chuyển biến nửa đầu 2018
Thị trường bất động sản Hồ Chí Minh có mối quan hệ mật thiết với tình hình phát triển kinh tế – xã hội, và tình hình tăng trưởng GDP của cả nước và tăng trưởng GRDP của thành phố.
Năm 2015, thị trường bất động sản đã đạt mức tăng trưởng cao; năm 2016 có sự sụt giảm nhẹ; năm 2017 thị trường bất động sản tăng trưởng trở lại, mức tăng khoảng 4,07% so với năm 2016, đóng góp 0,21% trong tổng mức tăng trưởng GDP của cả nước, và tiếp tục xu thế tái cấu trúc thị trường, tái cơ cấu đầu tư để có sự tập trung phát triển mạnh hơn phân khúc nhà ở vừa túi tiền đáp ứng nhu cầu thực của người tiêu dùng.
Phân khúc nhà ở trung cấp và nhà ở bình dân chiếm tỷ trọng khoảng 60-70% thị trường, là phân khúc chủ đạo của thị trường bất động sản thành phố, có tính thanh khoản cao nhất, góp phần đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở cho người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp, công nhân lao động, sinh viên và người nhập cư.
Tuy nhiên, thị trường bất động sản Hồ Chí Minh trong hơn 5 tháng đầu năm 2018 đã có biểu hiện sụt giảm so với cùng kỳ năm 2017, như sau:
(1) Tổng số dự án đủ điều kiện huy động vốn đưa ra thị trường là 29 dự án giảm 9,4% so với 32 dự án đã đưa ra thị trường cùng kỳ năm 2017;
(2) Tổng số căn nhà đưa ra thị trường là 9.174 căn (gồm có 8.690 căn hộ chung cư và 484 căn nhà thấp tầng), giảm 44,5% so với 16.506 căn cùng kỳ năm 2017, trong đó:
(i) Phân khúc căn hộ cao cấp có 3.828 căn, giảm 25,9% so với 5.164 căn cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, tỷ lệ căn hộ cao cấp lại chiếm đến 41,8% thị trường, tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2017 (chiếm 31,3%);
(ii) Phân khúc căn hộ trung cấp có 3.465 căn, giảm 32,6% so với 5.136 căn cùng kỳ năm 2017. Tỷ lệ căn hộ trung cấp chiếm 37,7% thị trường, cao hơn so với cùng kỳ năm 2017 (chiếm 31,1%);
(iii) Phân khúc căn hộ bình dân có 1.881 căn, giảm mạnh đến 69,7% so với 6.206 căn cùng kỳ năm 2017. Tỷ lệ căn hộ bình dân chỉ chiếm 20,5%, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm 2017 (chiếm 37,6%).
Các nguồn vốn cho BĐS
Nguồn vốn tín dụng vào thị trường bất động sản Hồ Chí Minh đã tăng từ năm 2015 đến nay, như:
Năm 2015, đạt khoảng 140.000 tỷ đồng, chiếm 12,3% tổng dư nợ; Năm 2016, đạt khoảng 150.000 tỷ đồng, chiếm 10,6% tổng dư nợ; Năm 2017, đạt khoảng 180.000 tỷ đồng, chiếm 10,7% tổng dư nợ; Hơn 05 tháng đầu năm 2018, đạt khoảng 202.000 tỷ đồng, chiếm 10,8% tổng dư nợ (cao hơn mức bình quân cả nước).
Nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI), một trong những thước đo kết quả hội nhập của nền kinh tế, của thị trường bất động sản nước ta, có xu thế tăng dần trong những năm gần đây, trong đó, thị trường bất động sản thường giữ vị trí thứ 3 trong việc thu hút vốn FDI, đồng thời, bổ sung thêm nguồn vốn quan trọng cho doanh nghiệp trong xu thế các ngân hàng thương mại đang dần hạn chế cấp tín dụng bất động sản.
Dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp bất động sản lên sàn chứng khoán như Hưng Thịnh Construction, Cenland, MBland, Hải Phát…
Đây là hướng đi phù hợp và hiệu quả nhằm khẳng định uy tín thương hiệu, tính minh bạch và giải trình, tạo điều kiện huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Theo HoREA, dự báo 6 tháng cuối năm 2018, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định.
Tin nóng nhất:
- TP. Hồ Chí Minh: Nhu cầu căn hộ tăng sau nhiều biến động
- Bất động sản Châu Á Thái Bình Dương tăng hạng minh bạch nhanh nhất
- Giá bán căn hộ tiếp tục tăng nửa năm 2018