Bấy lâu nay, thị trường nội thất vẫn chủ yếu bán các sản phẩm đến từ các nhãn hàng nước ngoài. Nhận thấy sự khởi sắc của thị trường bất động sản, mức sống của người dân nâng cao, các nhà kinh doanh nội thất Việt đã nhanh chóng nắm bắt và lên kế hoạch quay lại thị trường nước nhà.
Đánh giá xu hướng của ngành nội thất Việt trong năm 2018
Trước đây, nguồn thu của thương hiệu hay cửa hàng kinh doanh nội thất chủ yếu đến từ các gói thầu, dự án cung cấp nội thất cho các resort, nhà hàng, khách sạn. Tuy nhiên, trong 10 năm trở lại đây, dân số tăng mạnh, các khu đô thị, chung cư hiện đại liên tục mọc lên đáp ứng nhu cầu về chỗ ở của người dân.
Do phải đáp ứng cho lượng lớn người dân nên diện tích các căn hộ này không lớn, việc lựa chọn nội thất cũng khó khăn hơn. Nắm được nhu cầu này, 60 – 70% sản phẩm được các nhà sản xuất cho ra mắt đều hướng tới thiết kế tiện lợi, phù hợp cho không gian vừa phải và đã nhanh chóng được người tiêu dùng yêu thích.
Theo thống kê, giá trị tiêu dùng của ngành nội thất năm vừa qua đã đạt 4 tỷ USD. Với dân số hơn 95 triệu người, trung bình mỗi người Việt lại dành hơn 21 USD/năm để mua sắm nội thất. Có thể thấy, thị trường nội thất trong nước vẫn còn là mảnh đất rộng lớn để cho thương hiệu nội và ngoại cùng khai thác.
Nội thất ngoại chiếm phần lớn thị trường trong nước
Năm 2018, ngành kinh doanh nội thất nước ta đã có bước phát triển mạnh mẽ tại thị trường quốc tế. Ngành nội thất Việt có thế mạnh là nguồn nguyên liệu tự nhiên, sản lượng xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ đã đứng đầu khu vực Đông Nam Á và lọt vào top 10 thế giới. Nếu tiếp tục giữ được mức tăng trưởng hơn 10% trong thời gian vừa qua, thì giá trị xuất khẩu Việt sẽ cán mốc 10 tỷ USD trong 2 năm tới.
Tập đoàn kinh doanh nội thất IKEA và dự định đầu tư 450 USD vào Việt Nam
Dù giá trị xuất khẩu cao nhưng thị trường nội thất Việt hiện nay vẫn bị chiếm phần lớn bởi các nhãn hàng nước ngoài. Thị trường nội thất gỗ cao cấp trong nước có giá trị khoảng 2,5 tỷ USD, thì có 80% là các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài như: Trung Quốc, Đức, Thụy Điển, Malaysia,… chỉ 20% là sản phẩm nội địa.
Sau khi ổn định ở thị trường Thái Lan, Singapore và Malaysia, gần đây IKEA – Tập đoàn chuyên thiết kế đồ nội thất đến từ Thụy Điển chính thức lên kế hoạch phát triển vào Việt Nam, với số vốn đầu tư dự kiến là 450 triệu USD.
Nội thất Việt và xu hướng kinh doanh trực tuyến
Nhìn thấy xu hướng kinh doanh trực tuyến, nhiều thương hiệu nội thất nội và ngoại đều đầu tư phát triển cho mình những kênh riêng trong năm 2018. Hàng loạt các website bán hàng nội thất trực tuyến như: UMA, Nhà Xinh, JYSK,… ra đời như một hướng đi mới giúp các thương hiệu tiếp cận với người tiêu dùng hiệu quả hơn.
Với các cửa hàng nhỏ lẻ, bán hàng trực tuyến ra đời là một giải pháp trọn vẹn giải quyết các bài toán khó về chi phí mặt bằng mà vẫn thu hút được lượng lớn khách hàng tiềm năng. Không chỉ dừng lại ở website bán hàng, các cửa hàng còn nhanh nhạy phát triển thêm nhiều kênh đa dạng như Fanpage Facebook hay trang thương mại điện tử như: Lazada, Alibaba, Amazon,…
Áp dụng phần mềm quản lý bán hàng tối ưu chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh
Song song với việc phát triển kênh tiếp cận khách hàng, nhiều cửa hàng bán lẻ cũng nhận thấy phải nâng cao chất lượng phục vụ để giữ chân khách hàng. Phần mềm bán hàng với các tính năng giúp tiết kiệm thời gian và tối ưu chi phí chính là phương pháp tối ưu được nhiều chủ cửa hàng lựa chọn.
Nhà sản xuất nội thất cần thay đổi để phù hợp với khách hàng
Người Việt ưa thích sử dụng các vật dụng có nguồn gốc tự nhiên, chính vì vậy đồ nội thất sản xuất từ gỗ là thế mạnh của các thương hiệu Việt. Tuy nhiên, thị trường nội thất trong nước hiện nay lại vắng bóng các tên tuổi Việt dù có thế mạnh về nguyên liệu và sân nhà. Nguyên nhân được nhiều người đánh giá là do các sản phẩm chưa được đầu tư về thiết kế.
Trong 7 tỷ USD sản phẩm nội thất xuất khẩu của Việt Nam, chỉ 20% mẫu sản phẩm được thiết kế trong nước. Chính vì vậy, ngoài việc nâng cao chuyên môn, kỹ thuật, ngành nội thất trong nước cần nâng cao công nghệ sản xuất cũng như nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng, xu hướng thiết kế mới.