Đi lễ chùa đầu năm là nét đẹp trong văn hóa của người Việt. Ngày nay, người Việt đi lễ chùa bên cạnh cầu may mắn, bình an và sức khỏe cho cả gia đình còn cầu công danh, sự nghiệp với mong muốn có một năm mới kinh doanh thuận lợi và hanh thông. Dân kinh doanh buôn bán chắc chắn không thể bỏ qua 10 địa chỉ cầu tài lộc, may mắn đầu năm mới nay!
Phủ Tây Hồ
Phủ Tây Hồ được coi là một trong những chốn linh thiêng nhất của Hà Nội. Phủ thờ bà chúa Liễu Hạnh – vị Chúa mẫu quyền năng vô lượng trong Tứ Bất Tử. Phủ nằm trên một bán đảo của làng Nghi Tàm nhô ra giữa Hồ Tây, trước đó là một làng cổ của kinh thành Thăng Long nằm ở phía đông Hồ Tây. Phủ tọa lạc trên đồi đất hình Kim quy, bên trái có long chầu, bên phải có hổ phục, thuộc ấp Tây Hồ (nay thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ), đây là nơi địa linh bậc nhất của Hồ Tây.
Theo quan niệm dân gian, Phủ Tây Hồ là nơi cầu sức khỏe, công danh, tài lộc, may mắn vô cùng linh thiêng. Vào dịp Tết Nguyên Đán, nếu lựa chọn đến Phủ để đi lễ cần chú ý thời gian mở cửa, đóng cửa để không bị lỡ dở công việc.
Cũng theo quan niệm Tam phủ thì cai quản thiên phủ có thiên quan ban phúc lộc cho con người, cai quản địa phủ có địa quán xá bỏ tội lỗi cho con người, cai quản thủy phủ có thủy quan cởi bỏ mọi chướng ngại, khó khăn cho con người. Với sức mạnh huyền bí ban phúc, xá tội và giải ách, tín ngưỡng Tam phủ rất hấp dẫn mọi người.
Xem thêm: Xem ngày giờ xuất hành đầu năm 2024 cho dân kinh doanh để gặp may mắn tài lộc
Đền Bà Chúa Kho
Được xây dựng từ thời nhà Lý, Đền Bà Chúa Kho là một trong những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng tại Bắc Ninh. Cùng với sự linh thiêng được người dân truyền miệng nhau, Đền Bà Chúa Kho mỗi ngày đều đón một lượng lớn người đổ về chiêm bái, dâng hương và hành lễ. Đối với nhiều người, đây là nơi để cầu xin bình an, tài lộc cho công việc thêm suôn sẻ. Không chỉ có thế, tại ngôi đền này còn gắn liền với một lời đồn ứng nghiệm về việc xin lễ “vay vốn âm” của Bà Chúa Kho nhằm nhận được lộc dương giúp cho công việc, làm ăn buôn bán dồi dào, thuận buồm xuôi gió.
Xem thêm: Những điều kiêng kỵ trong ngày Tết dân kinh doanh cần biết để có một năm buôn bán hanh thông
Đền Trần Nam Định
Đền Trần Nam Định nổi tiếng là nơi xin ấn cầu tài. Đền Trần là nơi thời các vua nhà Trần cùng các quan lại có công phù tá nhà Trần. Đền Trần ngụ tại đường Trần Thừa phường Lộc Vượng thành phố Nam Định (sát quốc lộ 10). Theo dân gian tương truyền, Ấn chỉ linh thiêng khi được lấy đúng vào 23 – 24h của ngày 14 tháng giêng. Chính vì thế, mà hàng vạn, hàng triệu người dân khắp nơi đổ về Đền Trần chen chúc, xô đẩy nhau chỉ mong xin được ấn vào thời khắc thiêng liêng ấy. Mặc dù Ấn được phát trong đêm 14 tháng Giêng nhưng ngay từ mùng 7, mùng 8 Tết quanh khu vực đền Trần đã tấp nập du khách đến đây để hành hương. Người dân phải xếp hàng để xin được Ấn vua ban lúc nửa đêm và xin thẻ từ trước đó rất lâu.
Chùa Hương
Chùa Hương là một quần thể chùa nằm tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội. Đây là ngôi chùa cực kì linh thiêng và nổi tiếng lại tọa lạc nơi non nước hữu tình nên càng thu hút du khách hành hương và vãn cảnh. Vào những ngày đầu năm mới, đặc biệt là từ khi khai hội chùa Hương vào ngày 6 tháng giêng đến hết tháng 3 âm lịch lượng du khách đổ về đây lên đến hàng vạn người. Đến đây du khách không chỉ dâng hương, vái vọng tâm linh của mình lên các vị thần Phật, Bồ tát cầu xin may mắn, bình an, làm ăn tấn tới mà còn được thăm thú những cảnh đẹp đắm say lòng người như suối Yến, đền Trình, chùa Thiên Trù và động Hương Tích.
Đình Bia Bà
Đình Bia Bà là nơi cầu lộc nổi tiếng ở đất Hà Thành. Bia Bà nằm ở làng La Khê, quận Hà Đông, TP Hà Nội thờ Bà Đệ Nhị Cung Phi triều Mạc Thái Tông. Bà tên thật là Trần Thị Hiền – Hoàng phi của Vua Mạc Đăng Doanh. Bà được phong là Đông cung Hoàng hậu sau khi mất. Trải qua rất nhiều thời gian, Bia Bà vẫn là nơi bà con Hà thành tới lễ cầu may, cầu lộc. Đặc biệt, chị em làm ăn buôn bán còn ví Bia Bà như “Bà Chúa Kho” của Hà Nội.
Tuy vậy, phần lớn bà con, chị em tới lễ là nghe tiếng, đến lễ bởi lòng thành nhưng không mấy người có thời gian tìm hiểu về lịch sử Bia Bà và vị Thánh nữ được khắp vùng tôn kính, cầu lộc. Bia Bà nằm trong quần thể tâm linh La Khê gồm Chùa – Đình – Bia và được đặt cùng khuôn viên Đình La Khê nơi thờ hai vị thành hoàng là Hắc Diện Đại Vương và Thiên Tiên Bảo Hoa Công chúa (gọi là nhị vị Đại vương) đã giúp dân trừ ác, có nước để cày cấy, chăn nuôi, giúp vùng đất này trở nên trù phú; nơi đây cũng thờ các vị Thánh sư đã có công dạy dân trong vùng làm nghề lụa vì trước đây vùng này nổi tiếng với nghề dệt lụa. Còn Bia Bà thờ ngài Trần Thị Hiền, Hoàng phi của Vua Mạc Thái Tông – Mạc Đăng Doanh (sau khi bà mất được phong làm Đông cung Hoàng hậu). Bà đã có công với triều đình nhà Mạc và nhân dân địa phương. Toàn bộ khu Đình và Bia Bà đã được Bộ Văn Hóa xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1998.
Đền ông Hoàng Bảy
Ông Hoàng Bảy được biết đến nhiều nhất là một người anh hùng miền sơn cước, đã có công dẹp giặc loạn phương Bắc và hi sinh anh dũng cho đất nước. Xác của ông trôi theo dòng sông Hồng, tới Bảo Hà thì dừng lại, sau đó đã được người dân nơi đây chôn cất và lập đền thờ dưới chân núi Cấm, quay mặt ra sông Hồng để trấn yểm cho vùng đất biên giới, được bình yên, thịnh vượng.
Dân gian truyền miệng rằng ông Hoàng Bảy chính là con của Đức Vua Cha giáng xuống trần gian làm con trai trong dòng tộc họ Nguyễn để cứu giúp dân lành khỏi cảnh đau thương tang tóc khi loạn giặc phương Bắc tràn tới vào cuối đời Cảnh Hưng (1740- 1785). Trong một trận chiến không cân sức, ông đã bị giặc sát hại dã man rồi ném xác xuống sông Hồng.
Tương truyền rằng khi ông bị sát hại, trời nổi cơn vần vũ, kết thành hình thần mã. Từ thi thể của ông phát ra ánh hào quang rồi phi lên thân ngựa, đến Bảo Hà thì dừng lại. Sau này khi hiển linh, ông được ngự trong dinh Bảo Hà và được quyền trấn giữ đất Lào Cai.
Người dân mỗi khi đi qua đền ông Hoàng Bảy đều dừng lại thắp hương cầu khấn xin việc làm ăn buôn bán hay mọi sự đều thuận lợi hanh thông. Từ đó, danh tiếng ngôi đền linh thiêng được đồn đi khắp mọi miền đất nước. Người dân tứ xứ thập phương đều tìm đến đây để cầu may và xin tài lộc.
Chùa Bà Đen
Núi Bà Đen được biết đến là một trong ba huyệt đạo thiêng nhất của Việt Nam, đồng thời cũng là biểu tượng tâm linh của người Nam bộ. Ngọn núi cao nhất miền Nam này không chỉ gắn với huyền tích Linh Sơn Thánh Mẫu được người dân miền Nam tôn kính, mà còn là miền đất thiêng liêng với cả một quần thể tâm linh kỳ vĩ trên đỉnh núi, với bức tượng Phật Tây Bổ Đà Sơn bằng đồng cao nhất châu Á.
Hàng triệu du khách và Phật tử thập phương đến núi Bà quanh năm để cầu tài lộc, cầu may mắn, cầu duyên, cầu con và cả… xả xui. Một nghi thức mà hầu như ai đến khu vực chùa Bà cũng thực hiện là thoa tay hoặc chùm áo choàng của tượng Quan m Bồ Tát lên đầu, lên người để cầu sức khỏe và may mắn. Cũng ngay tại khu vực chùa Bà, rất nhiều người dân thỉnh cánh hoa thờ trong điện bà về để tắm.
Đền chùa Thác Bờ
Chúa Thác Bờ nổi tiếng là bà chúa linh thiêng trên đất Hòa Bình, là một địa chỉ cầu tài lộc, cầu bình an rất linh ứng. Đền thờ chúa được xây dựng trên địa phận 2 huyện là huyện Đà Bắc và Cao Phong, Hòa Bình. Nơi đây có địa thế hùng vĩ, cảnh đẹp thiên nhiên sông nước hài hòa, tươi mát. Hàng năm, nơi đây đón hàng trăm lượt khách đến tham quan, hành hương, du lịch tấp nập. Đây chính là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng ở Hòa Bình.
BẠN CÓ BIẾT: Hiện tại phần mềm bán hàng KiotViet đang có chương trình dùng thử MIỄN PHÍ cho mọi khách hàng với đầy đủ TẤT CẢ CÁC TÍNH NĂNG
Chùa Bái Đính
Những ngày đầu năm, chùa Bái Đính (xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) luôn tấp nập người đến dâng hương, lễ bái và thưởng ngoạn phong cảnh. Với khuôn viên rộng 539 ha bao gồm 27 ha thuộc chùa cổ và 80 ha mới xây dựng, Bái Đính là một trong những ngôi chùa có diện tích lớn nhất ở miền Bắc.
Bạn có thể đến chùa Bái Đính vào nhiều thời điểm trong năm để vừa có thể hành hương lễ Phật lại thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ. Nhưng thích hợp nhất vẫn là những ngày đầu xuân năm mới, khoảng từ sau Tết Nguyên đán đến tháng 3 m lịch.
Nguyên nhân bởi thời tiết ở miền Bắc lúc này đang là mùa Xuân, khí hậu ấm áp, nắng vừa phải, có mưa phùn lất phất rất hợp với đi lễ chùa cầu may. Bạn lại có thể kết hợp đi chùa cũng là chuyến du xuân đầu năm đầy ý nghĩa.
Theo quan niệm dân gian, chùa nổi tiếng linh ứng với cầu sức khỏe, bình an và tài lộc. Vì vậy hằng năm có hàng chục vạn lượt người đổ về Bái Đính – Tràng An để dâng hương lễ Phật.
Đền ông Hoàng Mười
Đền Ông Hoàng Mười thuộc địa phận làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, cách trung tâm thành phố Vinh khoảng 7km. Đền Ông Hoàng Mười ngoài thờ chính Quan Hoàng Mười, nơi đây còn thờ các vị Phúc Thần như: Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Tứ phủ, Song Đồng Ngọc Nữ, Lê Khôi, Quận công Trịnh Trung,…Vào những ngày hội chính, đền thờ ông Mười Nghệ An tấp nập du khách đến hành hương. Đền Ông Hoàng Mười Nghệ An cầu gì? Người dân nơi đây đồn rằng “đến đền Quan Hoàng Mười cầu được ước thấy”, đó cũng chính là lý do nơi đây thu hút du khách thập phương ghé thăm cầu bình an, may mắn và đón nhiều tài lộc.
Trên đây là 10 ngồi đền chùa cầu công danh tài lộc người kinh doanh nên đến đầu năm mới để mong cầu một năm kinh doanh thuận lợi, suôn sẻ và gặp nhiều may mắn. Bên cạnh đó, các chủ shop cũng nên tham khảo các giải pháp quản lý bán hàng mới giúp việc kinh doanh dễ dàng và hiệu quả hơn. Tham khảo phần mềm quản lý bán hàng được hơn 200.000 nhà kinh doanh tin dùng TẠI ĐÂY.