Liệu bạn có nổi tiếng không khi tự PR bản thân như thế này?
Với một doanh nghiệp, việc tự PR bản thân là điều cần thiết, nhưng nếu chỉ tâng bốc những mặt tốt mà không bao giờ muốn nói đến những điều khác thì sẽ rất dễ khiến khách hàng nghi ngờ và cảm thấy e dè.
Tiếp nối “Phần 1”, dưới đây sẽ tiếp tục là một số từ ngữ mà bạn không bao giờ được sử dụng để tự PR cho bản thân mình vì chúng sẽ gây ra sự phản cảm và tác dụng ngược trong hiệu quả truyền thông.
“Có trách nhiệm”
Trách nhiệm không nên được nói ra cho đến khi bạn chứng minh được bằng hành động thực tế trong dịch vụ khách hàng. Nếu nói được mà không thực sự chịu trách nhiệm được trong các tình huống cụ thể thì danh tiếng “xáo rỗng” của bạn sẽ lan truyền rất nhanh đấy.
“Đam mê”
Khách hàng sẽ không quan tâm đến đam mê của bạn đâu, cái họ cần là giải pháp và lợi ích mà thôi. Do đó, thay vì nói rằng bạn “đam mê phát triển các giải pháp khách hàng lâu dài” thì hãy thử thay bằng các từ khác như tập trung, chuyên hóa,… để cho thấy mục đích và định hướng rõ ràng hơn.
“Duy nhất”
Dấu vân tay là duy nhất, bạn cũng là duy nhất nhưng, doanh nghiệp của bạn có lẽ không phải là duy nhất. Với cùng một sản phẩm/dịch vụ thì luôn có rất nhiều doanh nghiệp tham gia vào thị trường để cùng “tranh giành” khách hàng tiềm năng.
Và thực tế là, khách hàng không hề quan tâm đến tính “duy nhất” đó, mà họ quan tâm đến yếu tố “tốt hơn”. Chỉ cần doanh nghiệp của bạn khác biệt, mang đến những trải nghiệm tốt hơn cho người mua so với các đối thủ cạnh tranh thì trong tâm trí của họ, bạn vẫn sẽ luôn là “duy nhất” mà không cần phải “khoe khoang” về điều đó.
“Chiến lược gia”
Chiến lược có thể nói là một bức tranh lớn về doanh nghiệp trong một tương lai xa. Do đó mà không phải ai cũng có thể đưa ra quyết định dựa trên nhiều hơn những viễn cảnh đang diễn ra ngay trước mắt.
Một doanh nghiệp với đội ngũ nhân sự của mình có thể nâng cao năng suất và chất lượng của một nhà máy sản xuất bằng việc đưa ra các chiến lược nhằm xác định những vấn đề cần được cải tiến. Nhưng, dù thế nào đi chăng nữa thì doanh nghiệp đó, mà cụ thể là những nhân viên nào đó khó có thể được đánh giá như một chiến lược gia.
Bởi lẽ, chiến lược gia là những người có tầm nhìn rộng, họ có khả năng nhìn vào hiện tại và hình dung ra một cái gì đó mới, đồng thời phát triển các giải pháp nhằm hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược của họ.
Trong khi các doanh nghiệp thường chỉ áp dụng kinh nghiệm của mình, kết hợp thêm một vài phương pháp đã được chứng minh để cải thiện mọi vấn đề. Tuy nhiên, thực tế là bạn không cần phải tâng bốc mình như một chiến lược gia, bởi lẽ khách hàng cũng chỉ cần đảm bảo đủ lợi ích cho mình chứ họ không cần đến một chiến lược gia.
“Thật đáng kinh ngạc…”
Đừng bao giờ sử dụng cụm từ này để mô tả về những gì bạn làm được, vì xét cho cùng, bạn không thể biết chắc rằng những người lắng nghe bạn sẽ cảm thấy kinh ngạc đến mức nào, hay là thực sự không có gì đáng để kinh ngạc.
“Serial entrepreneur”
Serial entrepreneur là khái niệm dùng để chỉ những doanh nhân thành lập những công ty mới sau khi đã làm chủ nhiều doanh nghiệp thành công trước đó. Nói cách khác, họ là những người đã gây dựng nên nhiều cơ đồ giá trị.
Thực tế là không nhiều người đạt đến mức độ xuất sắc như thế. Hãy tự hào mình là một doanh nhân với một doanh nghiệp đang lớn mạnh đủ để đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường chứ đừng tự tâng bốc mình giống như một “serial entrepreneur”.
Quảng cáo thương hiệu là một hoạt động không thể thiếu trong bất cứ doanh nghiệp nào để đưa hình ảnh đến với rộng rãi khách hàng tiềm năng hơn. Tuy nhiên, PR cũng là một nghệ thuật, không phải bạn cứ hết mực khen mình tốt thì người tiêu dùng sẽ tin ngay vào điều đó. Do vậy, thay vì thể hiện bằng lời nói, bạn hãy chứng minh bằng hành động và thực tế nhé!
(Tổng hợp từ www.inc.com)